Kiến nghị đưa doanh nhân vào để thành liên minh “công - nông - trí - doanh”

Kiến nghị đưa doanh nhân vào để thành liên minh “công - nông - trí - doanh”

(SGGPO). - Sáng 19-10, tại Hà Nội, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XII của Đảng. 

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.

Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tọa đàm

Chưa chú ý đúng mức đến khoa học công nghệ

Khai mạc tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức nhiều hội nghị góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XII của Đảng. Ngoài các hội nghị lấy ý kiến nhiều thành phần về nhiều vấn đề, MTTQ Việt Nam tổ chức 3 hội nghị lấy ý kiến nhiều thành phần về cùng 1 vấn đề. Bao gồm: phát triển kinh tế, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng KHCN; phát huy yếu tố văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam như một yếu tố động lực phát triển đất nước; vấn đề dân chủ trong thời kỳ bùng nổ Internet, vấn đề giám sát và phản biện, phòng chống tham nhũng. Với tọa đàm ngày 19-10 diễn ra tại Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, trọng tâm góp ý là về phát triển kinh tế, ứng dụng KHCN vào phát triển kinh tế với sự tham dự của Bộ KH-CN, các bộ ngành liên quan, các nhà khoa học, các doanh nghiệp.

Gợi ý về nội dung góp ý, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân “đặt hàng” làm rõ các vấn đề: từ nghiên cứu cơ bản, tiếp thu tri thức nước ngoài, đến nghiên cứu ứng dụng theo nhu cầu thực tiễn, đến chuyển giao công nghệ, đi vào doanh nghiệp, ứng dụng trong doanh nghiệp, phát huy tác dụng với doanh nghiệp và cuối cùng  nâng cao thu ngân sách.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu câu hỏi: Tại sao nhiều doanh nghiệp chưa đẩy mạnh ứng dụng KHCN, nguyên nhân chính là gì? Năng suất lao động phụ thuộc vào đâu, có hay không việc doanh nghiệp không cần KHCN mà vẫn cạnh tranh được vì họ tập trung sử dụng lao động giá rẻ? Cuối cùng là vấn đề cơ chế, chính sách, kinh phí cho KHCN phát triển. Như vậy, khi rõ được chuỗi vấn đề về phát triển KHCN chúng ta sẽ có được câu trả lời rõ ràng cho đường hướng phát triển KHCN trong những năm tới.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn: " Tại sao sau 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa xây dựng được nền tảng của một nước CNH-HĐH? Chưa xây dựng được thì rất khó cất cánh. Trong khi đó, nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn. Tụt hậu xa hơn là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do chưa chú ý đúng  mức đến vấn đề KHCN, nhân lực”. Để hạn chế nguy cơ tụt hậu, cần tập trung đầu tư cho KHCN, nhân lực chất lượng cao. Trong đó, cần phát triển chương trình khởi nghiệp quốc gia, như là một nhiệm vụ then chốt được nêu trong văn kiện. Vì nếu không tăng cường hỗ trợ các DN tiếp cận, ứng dụng KHCN thì không thể phát triển theo hướng được.

Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển bền vững vùng (Viện  Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cũng cho rằng, Việt Nam ngày càng bị tụt hậu so với các nước ở nhiều lĩnh vực, trong đó do chưa coi trọng phát triển KHCN. KHCN ở Việt Nam đang dựa quá nhiều vào Nhà nước. Hàn Quốc chẳng hạn, 75% sáng tạo KHCN là của tư nhân, vì vậy một loạt công ty tư nhân của Hàn Quốc như Samsung.. chiếm lĩnh thị trường hàng hóa có hàm lượng KHCN cao. Chúng ta cần thay đổi tư duy này. “Tụt hậu về KHCN còn do Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế hội nhập quốc tế. Chúng ta mới chỉ chú ý đến hội nhập thương mại đầu tư mà chưa quan tâm đến hội nhập KHCN, trong khi KHCN mới là động lực để chúng ta phát triển nhanh, bền vững, tránh được bẫy thu nhập trung bình. Những chính sách hỗ trợ về đầu ra cho KHCN cần đủ mạnh, như vậy mới thu hút được doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng KHCN”, ông Bùi Quang Tuấn góp ý.

Các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng

Đáng chú ý, tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến đều gặp nhau ở điểm là văn kiện không nên ghi rõ “kinh tế Nhà nước là chủ đạo”. Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển bền vững vùng (Viện  Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) kiến nghị bỏ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, để tất cả các thành phần kinh tế được cạnh tranh bình đẳng. Viện trưởng Trần Đình Thiên cũng phát biểu, Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế thị trường, để bình đẳng mọi thành phần kinh tế thì không nên tiếp tục tuyên bố kinh tế nhà nước là chủ đạo. Đồng thời, cần đề cao hơn vai trò của kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân phải là trụ cột phát triển kinh tế, trục chính là các tập đoàn kinh tế tư nhân. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, muốn có một nền kinh tế lớn thì phải có những tập đoàn tư nhân lớn.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng công ty cổ phần Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa cũng cho rằng, khối doanh nghiệp tư nhân đang bị phân biệt đối xử, không được đánh giá đúng, Trong khi đó, đóng góp của doanh ngiệp tư nhân chiếm tới 40% GDP so với 32% GDP của DNNN. Nhiều tập đoàn DNNN còn gây thất thoát, sai phạm hàng ngàn tỷ đồng. Vì vậy, trong văn kiện cần chỉ rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân, khẳng định sự bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và DNNN. Văn kiện cần chỉ rõ, trừ những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng thì ưu tiên DNNN, còn lại tất cả phải được bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và DNNN vì chúng ra đang hướng đến phát triển kinh tế thị trường. Cần bỏ khái niệm DN ngoài nhà nước, vì mọi cống hiến, đóng góp của doanh nhân là vì đất nước, nhân dân. “Doanh nhân chúng tôi không phải từ trên trời rơi xuống, không phải là nằm ngoài nhà nước này”, ông Nguyễn Văn Đệ nói.

Vì vai trò của đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn trong xã hội, trong sự phát triển đất nước, lực lượng hùng hậu, vì vậy ông Nguyễn Văn Đệ góp ý cần bổ sung lực lượng này vào liên minh khối đại đoàn kết dân tộc, thành liên minh “công - nông - trí - doanh”.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục