Thị trường bán lẻ điện máy: Kẻ khóc, người cười

Phá sản vì cạn vốn
Thị trường bán lẻ điện máy: Kẻ khóc, người cười

Sự bùng nổ của các trung tâm điện máy trong mấy năm qua đã khiến áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhiều doanh nghiệp đuối sức buộc phải rời cuộc chơi. Dù vậy, không ít doanh nghiệp vẫn “sống khỏe” nhờ chiến lược kinh doanh hiệu quả, tiếp tục mở rộng quy mô.

Phá sản vì cạn vốn

Lâu nay, thị trường bán lẻ điện máy được xem là vùng đất màu mỡ với tổng doanh số hàng năm đều vượt trên 100.000 tỷ đồng. Điều này đã khiến trong thời gian ngắn, hàng loạt doanh nghiệp nhảy vào đầu tư, mở các trung tâm điện máy nhằm chia thị phần miếng bánh ngon. Tuy nhiên, do thiếu chiến lược kinh doanh bài bản, cộng thêm sức ép cạnh tranh lớn, hàng loạt doanh nghiệp dù có doanh thu “khủng”, nhưng lợi nhuận lại èo uột nên đành phải “bỏ của chạy lấy người”.

Chỉ trong vòng 5 năm qua, nhiều hệ thống bán lẻ điện máy lớn phải phá sản vì không trụ nổi. Trong đó, có những cái tên “vang bóng một thời” lần lượt rời khỏi thị trường như: WonderBuy, Best Carings, HomeOne, Việt Long hay Topcare...

Theo lý giải của các doanh nghiệp bán lẻ điện máy, nguyên nhân khiến họ phải rút lui khỏi thị trường là do tình trạng tài chính khó khăn, phải dựa quá nhiều vào vốn vay với mức lãi suất cao, trong khi đó biên độ lợi nhuận ròng luôn ở mức thấp, chỉ xoay quanh 4% đến 5%.

“Chưa kể, đa số nhà bán lẻ điện máy dùng chính hàng hóa làm tài sản thế chấp, nghĩa là được nợ tiền hàng từ nhà cung cấp và dùng tiền này để mở điểm bán mới. Khi đến hạn thanh toán, quay qua vay ngân hàng từ tài sản thế chấp và hàng tồn kho để trả nợ cho nhà cung cấp. Nhưng sau đó, hàng không bán được, dẫn đến nợ chồng nợ, cuối cùng mất khả năng chi trả nên buộc phải phá sản”, anh Phan Hồng Thắng, nguyên giám đốc kinh doanh cho một công ty bán lẻ điện máy khu vực TPHCM, phân tích.

Trên thực tế, trong kinh doanh lĩnh vực điện máy, việc xây dựng các điểm bán là khoản đầu tư tốn kém nhất của một công ty bán lẻ. Trong đó, bình quân tiền thuê mặt bằng một trung tâm bán lẻ diện tích khoảng 200m² dao động 150 - 200 triệu đồng/tháng. Theo tính toán tại TPHCM, chi phí bán hàng mỗi tháng cho 4 - 5 cửa hàng lên đến cả tỷ đồng. Mỗi ngày, các cửa hàng này ngốn gần 30 triệu đồng chi phí mặt bằng, điện, chưa kể lương nhân viên cùng những chi phí khác.

Trong khi đó, sau thời gian lạm phát tăng cao, thu nhập người dân không ổn định, sức mua thấp, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ điện máy cũng sụt giảm theo, dần dần ăn thâm vào vốn và cuối cùng buộc phải rút lui khỏi thị trường. Dẫn chứng điển hình trong trường hợp này là WonderBuy, Best Carings, HomeOne. Trước thời điểm phá sản, do không có khả năng chi trả khoản tiền thuê mặt bằng, nên dù chủ nhà theo hợp đồng đã gia hạn 10 ngày để WonderBuy xoay xở, nhưng cuối cùng buộc thu lại mặt bằng vì bên thuê không có tiền trả! Tương tự với Best Carings, bắt đầu là nợ lương nhân viên, nợ tiền thuê mặt bằng và lần lượt đóng cửa từng siêu thị một rồi lặng lẽ rút khỏi thị trường điện máy. Còn HomeOne có số vốn khoảng 200 tỷ đồng, nhưng chỉ sau 2 năm kinh doanh, doanh nghiệp đã gần như kiệt sức và phải ngừng hoạt động khi nợ tiền thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên lên tới hàng tỷ đồng do kinh doanh thua lỗ.

Mở rộng mạng lưới

Đến nay, những doanh nghiệp còn trụ lại trên thị trường, bên cạnh việc liên tục cải thiện chất lượng dịch vụ của mình thì còn phải tung ra những chiến lược kinh doanh mới, nhằm đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thị trường.

Các trung tâm điện máy phải có nhiều hình thức thu hút khách hàng mới phát triển được. Ảnh: CAO THĂNG

Giải pháp liên tục mở thêm mạng lưới các siêu thị mới, không chỉ ở thành phố lớn mà còn ở các tỉnh lẻ được các doanh nghiệp bán lẻ điện máy lựa chọn như một giải pháp sống còn, nhằm tăng cường hệ thống cũng như mở rộng đối tượng tiêu dùng.

Riêng năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, đã có hàng chục siêu thị điện máy mới ra đời, điển hình như Media Mart, Điện Máy Xanh thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động. Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Media Mart Lê Quang Vũ, hiện tỷ trọng đóng góp doanh thu từ thị trường tỉnh của một số nhóm hàng công nghệ thiết bị di động của công ty đang có xu hướng tăng dần và thậm chí còn lớn hơn khu vực thành phố. Với thị trường các tỉnh, Media Mart đặt mục tiêu chiếm lĩnh 50% thị phần tại các địa bàn nơi họ hiện diện. Việc mở những trung tâm điện máy với quy mô vừa và nhỏ tại các vùng nông thôn và đô thị loại 2 sẽ không tốn kém bằng các trung tâm lớn ở thành phố, nhờ đó, giảm áp lực chi phí đầu tư ban đầu. Hơn nữa, ở những khu vực này, mô hình trung tâm điện máy hiện đại với giá bán cũng như dịch vụ hậu mãi và chính sách chăm sóc khách hàng vẫn chưa phát triển, trong khi mô hình đại lý nhỏ lẻ đã bộc lộ những yếu kém.

Dân số Việt Nam hơn 90 triệu người và hầu hết là giới trẻ đam mê công nghệ, ưa thích cái mới, là lý do để các doanh nghiệp có kinh nghiệm tiếp tục mở rộng thị trường và gặt hái thành công. Không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà doanh nghiệp ngoại cũng nhòm ngó và quyết tâm tham gia vào thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam. Thương vụ Công ty PowerBuy thuộc Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua 49% cổ phần của hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim là một điển hình.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, trong thời gian tới có thể xảy ra xu hướng mua bán, sáp nhập và hoạt động thu gom sẽ mạnh mẽ hơn bởi nhóm các nhà đầu tư đến từ nước ngoài. Thị trường lúc đó có thể sẽ chỉ còn lại khoảng 3 - 4 nhà bán lẻ thực sự có năng lực về tổ chức, phân phối bán lẻ chuyên nghiệp và sẽ chiếm lĩnh hơn 80% thị phần bán lẻ toàn quốc.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục