Sự việc đang lan rộng trên mạng xã hội khi đoạn video clip ghi lại toàn bộ hình ảnh học sinh này đọc bản kiểm điểm được chia sẻ với tốc độ chóng mặt.
Liên quan đến sự việc trên, đã có nhiều bình luận trái chiều, nhiều ý kiến nhận xét trên góc độ văn hóa, nhân văn, tính sư phạm hay góc độ này, góc độ khác, dù vẫn biết rằng phần lỗi ban đầu thuộc về em học sinh.
Ngay cả thầy Hiệu phó nhà trường cũng thừa nhận do nóng vội xử lý vụ việc nên không lường hết hậu quả khi tổ chức quay clip và phát tán đoạn video trên mạng xã hội.
Sự việc này, thực ra hoàn toàn có thể lường trước, bởi một đứa trẻ khi bị lên án, bêu rếu trước đám đông, tùy vào khả năng chịu đựng sẽ có những mức độ ảnh hưởng khác nhau. Ở mức độ nhẹ, trẻ sẽ bị tổn thương, ám ảnh rồi nảy sinh tâm lý tự ti, mặc cảm. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị ức chế tâm lý, trở nên không nghe lời, thậm chí ngầm phản kháng bằng những hành động khác tiêu cực hơn. Lẽ tất nhiên, mức độ ảnh hưởng nào cũng để lại hậu quả xấu, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách lâu dài của học sinh.
Quy định khen thưởng và xử phạt học sinh do Bộ GD-ĐT ban hành đã được áp dụng từ năm 1988 đến nay. Thời điểm hiện tại, một số hình thức kỷ luật như cảnh cáo học sinh trước toàn trường hoặc buộc thôi học đã không còn phù hợp. Bởi, trường học là môi trường để hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực và kỹ năng cho học sinh. Một đứa trẻ khi bị tách biệt ra khỏi cộng đồng trường học, thậm chí bị bỏ mặc sẽ không còn động lực phấn đấu, dễ dẫn đến sai đường lạc lối. Quan trọng hơn, việc áp dụng các hình thức kỷ luật nói trên đã đi ngược lại tính nhân văn của Luật Trẻ em (năm 2016) và Luật Giáo dục (năm 2018). Nhận thức được những bất cập này, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu ban hành thông tư mới để chỉnh sửa. Trong đó, việc kỷ luật học sinh phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng, vì sự tiến bộ của học sinh, lấy vận động, thuyết phục là chính, không làm tổn hại đến danh dự, tinh thần, sức khỏe của học sinh.
Ở độ tuổi “quá trẻ em, non người lớn”, tâm sinh lý các em đang có nhiều thay đổi, học sinh luôn muốn thể hiện và khẳng định bản thân trước mọi người. Tuy nhiên, do nhận thức còn non nớt, dễ bắt chước và bị ảnh hưởng bởi người khác nên các em có nguy cơ hành động lệch lạc, thậm chí đi ngược lại chuẩn mực chung của xã hội. Trên môi trường mạng xã hội, các em thấy người khác văng tục, chửi thề, thì cho rằng như thế rất “ngầu” nên học theo. Ra ngoài đường, các em thấy người lớn đánh nhau, phụ huynh thậm chí cũng chửi bới thầy, cô giáo thì khi vào trường học, ít nhiều những hành vi xấu đó cũng ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của các em. Do đó, thời gian gần đây trong nhiều cuộc họp chuyên môn, Sở GD-ĐT TP đều nhấn mạnh vai trò nêu gương của giáo viên. Mới đây, Sở cùng với 5 trường THCS và THPT trên địa bàn TP tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về ứng xử văn hóa trên mạng xã hội.
Thời đại công nghệ số như hiện nay, học sinh cần được trang bị kỹ năng nhận biết và ứng phó với các thông tin đa chiều trên mạng xã hội. Hiện nay, nhiều trường học đã xây dựng kênh tư vấn học đường qua mạng xã hội, giáo viên trực tiếp xử lý thông tin trên smartphone, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong trường học, cũng như giảm thiểu nguy cơ bạo lực học đường. Tuy nhiên, về lâu dài, giáo viên cần được tập huấn thêm về mặt chuyên môn để đồng hành và định hướng học sinh sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn. Ngoài ra, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học cần được đẩy mạnh, nhằm thúc đẩy cách ứng xử có văn hóa, hạn chế thấp nhất các biểu hiện lệch lạc như thời gian qua.