
(SGGPO). – Sáng nay, các thí sinh tham dự thi đợt 3 của kỳ thi cao đẳng bước vào môn thi đầu tiên – môn Toán (các khối A, A1, B, D1), môn Địa lý (khối C) với thời gian làm bài 180 phút và các khối thi năng khiếu.
>> Gợi ý bài giải môn tiếng Anh
Đề toán vừa sức
Kết thúc buổi thi sáng nay, thí sinh Hạ Trang, đến từ Trường THPT Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) thi vào Cao đẳng sư phạm Hà Nội cho biết, đề toán sáng nay nằm trong chương trình ôn, duy chỉ có hai câu 8 và 9 là khó.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Văn Đồng, quê Thái Bình, thi ngành CNTT trường Cao đẳng điện tử điện lạnh cho rằng, đề toán năm nay tương đối dễ, sát kiến thức đã học ở lớp 12. Câu khó là về giải hệ phương trình, nhiều thí sinh phải bỏ qua câu này.
Thí sinh Vũ Mai Thi, quê Thanh Hóa cho biết, đề dễ hơn nhiều so với đề thi đại học. “Em thấy, độ khó của bài thi cũng chỉ ngang với đề thi tốt nghiệp, khác là đề thi cao đẳng nhiều câu hơn. Em chỉ mất 2/3 thời gian để hoàn thiện bài thi của mình, phòng thi có 34 bạn nhưng khi em nộp bài chỉ còn 7 bạn trong phòng" - thí sinh Mai cho biết.
Thí sinh tiếp tục viết về Hoàng Sa, Trường Sa
Với đề địa lý của khối C sáng nay, nhiều thí sinh cũng cho biết rất hài lòng với bài làm của mình. Đặc biệt, trong câu đầu tiên của đề thi đã yêu cầu thí sinh nêu các vùng nội thủy và lãnh hải của nước ta; đồng thời yêu cầu thí sinh trả lời 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có có ý nghĩa như thế nào đối nước ta về mặt an ninh quốc phòng. Với câu hỏi này, nhiều thí sinh phấn khởi cho biết, đây là câu “trúng tủ” vì nội dung liên quan đến vấn đề biển đảo đã được các thí sinh ôn luyện kỹ càng.
Với đề thi này, chỉ cần học chắc kiến thức cơ bản, học sinh dễ dàng đạt điểm 7. Như vậy, rất xuyên suốt, đề thi địa của kỳ thi đại học - cao đẳng năm nay đều có nội dung đề cập đến vấn đề nóng hiện nay là biển đảo.
Theo Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội Vũ Ngọc Phương, năm nay, toàn trường có gần 11.000 thí sinh đăng ký dự thi ở 9 khối gồm: A, A1, B, C, D, D1, H, N, T và M. Nhà trường đã huy động 676 cán bộ và sinh viên tham gia phục vụ kỳ thi. Là một trong những trường cao đẳng "hot" nhất, năm nào Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội cũng có điểm chuẩn rất cao. Tuy nhiên, nếu như các khoa sư phạm tiểu học, mầm non...tỷ lệ chọi rất cao thì các khoa năng khiếu lại rất ít thí sinh đăng ký. Nhiều năm nay trường không tuyển đủ chỉ tiêu các ngành như nhạc, họa...
Tại trường cao đẳng Công nghệ dệt may thời trang Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, tổng hồ sơ đăng ký năm nay là hơn 1.500 hồ sơ trong khi chỉ tiêu năm nay là 1.600 chỉ tiêu; tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi chiếm 60%.
Còn ông Nguyễn Phúc Đức, Trưởng phòng đào tạo trường cao đẳng Cộng đồng Hà Nội cho biết, tổng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường là 929, số thí sinh đến làm thủ tục dự thi đạt 52,64%.
Tại Hội đồng thi Trường cao đẳng Kỹ thuật công trình đô thị (Gia Lâm - Hà Nội), ông Trịnh Văn Dũng - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, so với 2 năm về trước, năm nay số hồ sơ đăng ký dự thi tụt giảm khủng khiếp.
“Năm 2012, toàn trường có trên 9.000 hồ sơ đăng ký dự thi; năm 2013, số này giảm xuống còn khoảng trên 1.000; năm 2014 này tổng hồ sơ trường nhận được chỉ vỏn vẹn 685, trong khi đó chỉ tiêu lên tới 1.600” - ông Dũng cho biết.
Từ thực tế này, nhà trường đang lo lắng không tuyển đủ chỉ tiêu, “ngoài trông chờ vào nguyện vọng 2, trường cũng đang tính toán thay đổi phương thức tuyển sinh. Kế hoạch, từ sang năm, trường sẽ chấm dứt thi tuyển, chuyển sang phương thức xét tuyển”, lãnh đạo nhà trường cho biết.
Trường Cao đẳng kỹ thuật công trình đô thị chỉ là một trong số rất nhiều trường cao đẳng bị sụt giảm hồ sơ đăng ký dự thi năm nay. Có trường, hồ sơ giảm so với năm trước lên tới 60%, đặc biệt là các trường cao đẳng địa phương; thậm chí, năm nay, có trường cao đẳng chỉ nhận được vài chục hồ sơ đăng ký dự thi cho cả mùa tuyển sinh.
Bộ GD-ĐT cho biết, số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh của đợt thi cao đẳng là 22.442. Trong đợt thi cao đẳng, lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện phối hợp giúp các thí sinh đến làm thủ tục đăng ký dự thi, các tổ chức xã hội đã hỗ trợ chố ở miễn phí cho thí sinh có hoàn cản khó khăn. Cụ thể: huy động 6.362 sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ thí sinh đến dự thi; hỗ trợ 39.502 chỗ ở miễn phí.
* Sáng nay, cụm thi TPHCM có hơn 110.000 thí sinh tham dự thi đợt 3 của 23 trường tổ chức thi cao đẳng bước vào môn thi đầu tiên.

Giám thị gọi thí sinh vào phòng thi. Ảnh: Thanh Hùng
So với buổi làm thủ tục dự thi, sáng nay nhiều trường có tỉ lệ thí sinh dự thi cao như CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM: 83,72%, CĐ Giao thông Vận tải TPHCM: 72%, CĐ Tài chính Hải Quan: 70, 16%, CĐ Kinh tế Đối ngoại: 69,66%. Các trường như ĐH Hồng Bàng, CĐ Văn hóa Nghệ và Du lịch Sài Gòn có tỉ lệ dự thi dưới 60%.
Tại điểm thi Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn (Q.12) 1 thí sinh đi trễ quá 15 phút sau khi bóc đề nên không được dự thi.
Tại điểm thi Trường CĐ Bách Việt, sáng nay vẫn tái diễn tình trạng phòng thi ghép như trong buổi làm thủ tục dự thi.

Phòng thi ghép tại điểm thi trường Cao đẳng Bách Việt (Quận Gò Vấp, TPHCM). Ảnh: Thanh Hùng
Theo ghi nhận của PV, tình hình giao thông sáng nay tại các điểm thi khá thông thoáng, không xảy ra tình trạng ùn tắc.
* Chiều nay, các thí sinh hoàn tất các môn thi thứ 2 (môn Hóa học với khối A, B; tiếng Anh (khối D, A1) và Lịch sử (khối C). Hầu hết các thí sinh đều cảm thấy nhẹ nhàng với đề thi vừa sức. Ghi nhận tại Hội đồng thi Trường Cao đẳng công nghệ Hà Nội cho thấy, nhiều thí sinh nhận xét đề thi Hóa không khó. Thí sinh Nguyễn Thị Thơm - học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Nam Định) cho biết, 50 câu hỏi trắc nghiệm chia khá đều giữa lý thuyết và bài tập; kiến thức cơ bản và bám sát chương trình. Trong đó, chủ yếu nội dung kiến thức của lớp 12, một số câu kiến thức lớp 11.
Tại Hội đồng thi Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, khá nhiều thí sinh tự tin được khoảng 6 đến 7 điểm tiếng Anh. Tuy nhiên, không nhiều thí sinh dám khẳng định mình có thể đạt điểm giỏi. Tại Hội đồng thi Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, thí sinh Lê Hồng Anh – lớp 12A2, Trường THPT Đoàn Kết (Hai Bà Trưng – Hà Nội) cho rằng, đề thi tiếng Anh khối A1 và D khá dễ, có sự phân hoá học lực của thí sinh. Đề thi nằm trọn trong chương trình học phổ thông, không nằm ngoài kiến thức đã học.
Với đề Sử của khối C, nhiều thí sinh cho biết hài lòng với cách ra đề không yêu cầu học thuộc nhiều và phải nhớ những số liệu, ngày tháng, thay vào đó buộc thí sinh phải chủ yếu hướng đến kỹ năng tổng hợp, phân tích, nhận định. Trong đó có những câu rất mở như “vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay”. Hoặc câu hỏi về ý nghĩa trong nước và ý nghĩa quốc tế của Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng được các thí sinh đánh giá là thú vị, vì có thể tổng hợp kiến thức mà không cần học thuộc nhiều...

Ngày thi cao đẳng đầu tiên: 20 thí sinh vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật
Báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) cuối ngày 15-7 cho biết, đợt thi cao đẳng này cả nước có 146 trường cao đẳng tổ chức thi với số thí sinh dự thi là 181.120 em, đạt tỷ lệ 70,03%. Đây là tỷ lệ khá cao, chứng tỏ hồ sơ ảo đã giảm nhiều. Số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh đợt này là 22.442 người.
Bộ GD-ĐT đánh giá, đề thi buổi sáng của khối A, A1, B và D (thi môn Toán) và khối C (thi môn Địa lí) cũng như buổi chiều (khối A, B thi môn Hóa; khối A1 và khối D thi môn Ngoại ngữ, khối C thi môn Sử) được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; chưa có phát hiện sai sót về đề thi.
Các Hội đồng thi đã chuẩn bị tốt cho công tác coi thi, không khí trường thi trật tự, an toàn; các Hội đồng thi kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm quy chế. Trong ngày thi 15-7 có 20 thí sinh vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật, trong đó: 3 khiển trách; 2 cảnh cáo và 15 đình chỉ thi. Đáng chú ý, có 2 cán bộ coi thi bị đình chỉ công việc. Tình hình thời tiết và giao thông thuận lợi cho việc dự thi của thí sinh; không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông. Các điều kiện phục vụ tổ chức thi được chuẩn bị tốt, điện nước được cung cấp ổn định tại các hội đồng thi. Sự phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi được triển khai rất nhịp nhàng giữa lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện, các doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm,… giúp đỡ, hỗ trợ trong công tác tổ chức thi; tham gia hướng dẫn thí sinh đi lại; tư vấn nơi ăn, chốn ở; giúp thí sinh và người nhà đến địa điểm thi thuận lợi; phối hợp với lực lượng chức năng điều tiết trật tự giao thông; hỗ trợ chỗ ở giá rẻ, miễn phí,...
“Ngày thi đầu tiên của đợt III, kỳ thi cao đẳng năm 2014 diễn ra trật tự, an toàn.”, Bộ GD-ĐT đánh giá.
Phan Thảo - Thanh Hùng
______________________
Nhận xét đề Toán: Tương đương đề thi tốt nghiệp THPT
Nhận xét chung, cấu trúc đề thi này có hơi khác cấu trúc đề thi các khối A, B, D của đợt thi đại học vừa qua. Đó là câu hình học không gian được xếp loại ba câu khó của đề, thay vì vị trí câu này là của câu hình học Oxy như các đề thi của đại học, nhưng thực ra câu này cũng dễ.
Nhìn chung tất cả các câu trong đề thi kỳ này có độ khó ngang với đề thi tốt nghiệp phổ thông vừa qua. Và chắc Bộ GD-ĐT không muốn tổ chức kỳ thi cao đẳng vào năm tới do thí sinh thi ít và thực tế là như vậy, vì cho khó thì điểm sàn quá thấp, làm khó cho các trường tuyển sinh.
Do đó, với đề thi này, phổ điểm cho thí sinh là: thí sinh trung bình có thể đạt được 6 đến 7 điểm, thí sinh khá có thể đạt điểm tối đa.
TS. Nguyễn Phú Vinh (Trưởng Khoa KHCB ĐH Công Nghiệp TPHCM)
Nhận xét đề Địa lý: Đề cập đến nhiều vấn đề thời sự
Cấu trúc đề thi cũng thay đổi tương tự đề thi ĐH và mức độ khó bằng đề thi tú tài. Đề thi bao quát hết chương trình lớp 12 và đề cập đến nhiều vấn đề lớn của nước ta hiện nay: vấn đề biển đảo, bảo vệ tài nguyên đất, sự phân hóa lãnh thổ công nghiệp, vấn đề phát triển cây công nghiệp lâu năm và bảo vệ vốn rừng ở Tây Nguyên.
Đề thi năm nay tạo cơ hội cho thí sinh thể hiện nhận định hiểu biết của mình chứ không đơn thuần là trình bày các kiến thức trong SGK. Phần thực hành câu hỏi rất rõ ràng yêu cầu học sinh vẽ biểu đồ cột thể hiện diện tích lúa của đồng bằng Sông Cửu Long và đồng bằng Sông Hồng. Phần nhận xét và giải thích cũng không khó. Học sinh dễ có điểm trọn vẹn phần câu hỏi này.
Đề ra rõ ràng, không có câu phân biệt giữa chương trình cơ bản và nâng cao giúp học sinh khỏi phân vân trong việc lựa chọn và giảm tải trong việc học.
Với đề thi năm nay, học sinh có học lực trung bình cũng có thể đạt được điểm 5. Học sinh khá, giỏi dễ đạt được điểm cao.
Nguyễn Đăng Lợi (Trường THPT Vĩnh Viễn – TPHCM)
Nhận xét đề Anh văn (khối A1, D – 2014 (Mã đề 426): Khó hơn đề thi năm ngoái
Nói chung đề thi cao đẳng môn Anh văn năm nay khó hơn đề thi năm ngoái. Đặc biệt phần từ vựng và phần tìm lỗi sai. Thí dụ bài đọc điền từ sử dụng từ vựng khó đối với thí sinh. Phần sửa lỗi sai có một số câu “bẫy” thí sinh như câu 58, câu 60 (mã đề 426).
Cũng có một câu cập nhật thời sự biển đảo, ví dụ ở câu 9. Câu hỏi về cấu trúc cũng tương đối khó, như ở câu số 5 hoặc câu số 7.
Hai bài đọc hiểu khá dài, tuy vậy từ vựng cũng nằm ở mức có thể hiểu được đối với học sinh trung bình khá.
Với bài thi này, học sinh trung bình có thể đạt điểm 5.
Lê Việt Ánh (Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn, TPHCM)
Nhận xét đề Hóa: Chỉ khó hơn đề tốt nghiệp THPT ở một vài câu phần bài tập
Đề thi cao đẳng năm nay (mã đề 729) không có phần riêng và nội dung có cả chương trình 10, 11 và 12. Tỷ lệ lớp 12 là 70%, lớp 11 là 20% và lớp 10 là 10%.
Về độ khó chỉ hơn đề tốt nghiệp THPT ở một vài câu chủ yếu là phần bài tập. Câu hỏi giáo khoa có khó hơn đề thi tốt nghiệp ở phần nhận định những sơ đồ phản ứng. Với thời lượng 90 phút thì học sinh trung bình, khá sẽ dễ dàng hoàn thành.
Về phổ điểm, thì học sinh chiếm mức độ trung bình có thể là 60%, số học sinh khá giỏi có thể đạt đến 9 điểm. Điểm 10 trong đợt thi này dự đoán sẽ ít vì học sinh giỏi sẽ tham dự kì thi này không đáng kể.
Số học sinh tham gia kì thi cao đẳng này theo báo chí thông tin thì giảm đáng kể chứng tỏ học sinh không quan tâm nhiều đến kì thi vì nhiều trường cao đẳng đã dựa vào kết quả của kì thi đại học để xét tuyển. Như vậy có thể dự đoán năm sau số lượng dự thi cao đẳng sẽ tiếp tục giảm mạnh, vì thế nên chăng kì thi này có cần thiết tồn tại hay không?
Đặng Văn Thành (Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, TPHCM)
Nhận xét đề thi môn Sử: Vừa sức
Đề thi năm nay có câu hỏi rõ ràng, dễ hiểu, vừa sức với học sinh. Cách hỏi của câu 2 giúp thí sinh rèn luyện kỹ năng tổng hợp sự kiện và khái quát để rút ra nhận định về vai trò của Mặt trận Việt Minh. Câu này cũng buộc học sinh biết vận dụng kiến thức lịch sử vào thực tiễn qua việc liên hệ với vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam hiện nay. Câu này giúp học sinh thấy môn lịch sử gần gũi với thực tiễn.
Câu 4 trình bày về cách mạng khoa học kỹ thuật thế giới nhưng cũng liên hệ với thực tiễn ở Việt Nam. Câu hỏi này yêu cầu các em trình bày những giải pháp của Việt Nam nên đáp án sẽ mở, thoáng tạo cơ hội cho các em phát biểu suy nghĩ cá nhân.
Tóm lại, đề thi năm nay học sinh có khả năng đạt điểm 7, cách ra đề có tính thực tiễn và vận dụng cao phù hợp với xu thế đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá và kiểm tra hiện nay.
Phạm Thu Hà (Trường THPT Vĩnh Viễn – TPHCM)