Tăng tốc ôn tập
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bảo Quốc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, cho biết sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, học sinh đã bước vào giai đoạn học tập nước rút.
Cụ thể, từ nay đến giữa tháng 4-2018, trường vẫn giữ nguyên các hoạt động giảng dạy theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Sau khi kết thúc chương trình các môn học, học sinh sẽ bước vào giai đoạn ôn thi học kỳ 2. Sau khi thi học kỳ 2, các tổ bộ môn sẽ có những điều chỉnh về thời lượng giữa các môn học, bổ sung thêm một số tiết ôn tập kiến thức lớp 11.
Ông Quốc bày tỏ: “Lo lắng lớn nhất của chúng tôi hiện nay là tỷ lệ kiến thức chương trình lớp 11 trong đề thi tham khảo chỉ chiếm từ 20% - 25%, nhưng các câu hỏi không xác định rõ ở mức độ nào giữa nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao”.
Do đó, đại diện Trường THPT Gia Định kiến nghị Bộ GD-ĐT nên có thêm hướng dẫn, trong đó xác định rõ kiến thức lớp 11 ở mức độ nào để việc tổ chức ôn tập ở các trường diễn ra nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh.
Hiện tại, nhiều trường đã tận dụng tiết học ở buổi hai để tổ chức ôn tập, hệ thống kiến thức lớp 11, cũng như tăng cường ra các đề thi mẫu cho học sinh luyện tập. Song song đó, trong các bài kiểm tra một tiết, giáo viên sẽ tổ chức giống hình thức thi THPT quốc gia để học sinh quen dần với định dạng đề thi tốt nghiệp. Tại Trường THPT Nguyễn Du, Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú cho biết việc ôn tập không quá sa đà vào chương trình lớp 11 mà ưu tiên đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng lớp 12.
Thêm vào đó, đề thi tham khảo năm nay do Bộ GD-ĐT công bố được các giáo viên đánh giá là tăng độ khó rõ rệt so với năm ngoái, ở tất cả các môn. Do đó, việc “lên dây cót” tinh thần, vừa đảm bảo chuẩn kiến thức cho học sinh, vừa giúp các em có tâm lý, sức khỏe tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi là điều được nhiều trường đặc biệt chú trọng.
Khoa học tự nhiên vẫn chiếm ưu thế
Tính đến ngày 15-3, trong tổng số hơn 1.000 học sinh khối 12 của Trường THPT Gia Định, có khoảng 800 em đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN). Tương tự, tại Trường THPT Trần Khai Nguyên, tỷ lệ học sinh đăng ký tổ hợp KHTN cũng chiếm áp đảo với hơn 70%. Ở nhiều trường khác, việc lựa chọn bài thi tổ hợp đã diễn ra ngay từ đầu năm lớp 12.
Cụ thể, tại Trường THPT Nguyễn Du, dựa trên nguyện vọng đăng ký của học sinh, khối 12 được tổ chức thành 21 lớp, trong đó có 19 lớp KHTN và 2 lớp Khoa học xã hội (KHXH). Tương tự, tại Trường THPT Thủ Đức, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã khảo sát nguyện vọng đăng ký của học sinh để phân chia lớp và định hướng ôn tập phù hợp. Số lượng học sinh chọn tổ hợp KHXH năm nay có tăng hơn so với năm học 2016-2017, nhưng so với tổng số học sinh khối 12 thì tỷ lệ nàyvẫn còn thấp.
Để được xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh học chương trình giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập với các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp là KHTN (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và KHXH (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.
Theo lý giải của các đơn vị, tổ hợp KHTN chiếm áp đảo là do tổ hợp này có nhiều lựa chọn ngành nghề xét tuyển vào đại học và cao đẳng hơn so với tổ hợp KHXH, nên được nhiều học sinh lựa chọn.
Căn cứ vào hướng dẫn thi THPT quốc gia mới nhất của Bộ GD-ĐT, thí sinh được đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được lấy để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên, nếu đăng ký như trên, thí sinh bắt buộc phải dự thi cả 2 bài thi, nếu bỏ một trong hai bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp.
Trước quy định này, ông Nguyễn Duy Tuyển, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên, cho biết năm ngoái đã có trường hợp học sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp, đồng nghĩa phải ôn tập và dự thi cùng lúc 9 môn.
“Những trường hợp đó, trường sẽ mời phụ huynh và học sinh lên tư vấn, phân tích cặn kẽ để các em đưa ra lựa chọn phù hợp, tránh lãng phí công sức ôn tập và đảm bảo kết quả thi tốt nhất cho học sinh”, ông Tuyển bày tỏ.