Kỳ thi Trung học phổ thông 2019: Quan trọng nhất là điều chỉnh khâu chấm thi

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đưa ra phương hướng về kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2019 với một số đổi mới. SGGP ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, địa phương góp ý cho phương án đổi mới này. Các ý kiến nhấn mạnh vào điều chỉnh công tác chấm thi để hạn chế gian lận sửa điểm như năm 2018.

 

Các ý kiến của một số chuyên gia, địa phương nhấn mạnh vào điều chỉnh công tác chấm thi để hạn chế gian lận sửa điểm như năm 2018
Các ý kiến của một số chuyên gia, địa phương nhấn mạnh vào điều chỉnh công tác chấm thi để hạn chế gian lận sửa điểm như năm 2018

GS NGUYỄN MINH THUYẾT - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới: Nên chấm thi theo cụm

Cơ bản kỳ thi THPT quốc gia sẽ giữ ổn định từ nay đến 2020 theo phương án như hiện nay. Tuy nhiên đây phải là kỳ thi tốt nghiệp THPT, là cơ sở để các trường đại học xét tuyển, không phải là thi đại học, để tránh việc đề thi quá khó.
Cùng với đó, phải hoàn thiện giải pháp kỳ thi. Chúng tôi đang kiến nghị thi xong thì niêm phong bài thi về chấm theo cụm, không để địa phương chấm nữa. 
Chương trình GDPT đổi mới cũng đã đề xuất những năm sau sẽ để hiệu trưởng trường THPT cấp bằng THPT cho học sinh. Chúng ta không nên lo chuyện hiệu trưởng cấp bằng vì sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các trường để tấm bằng của trường mình có thương hiệu, được thế giới công nhận. Tương tự như hiệu trưởng trường đại học không chỉ cấp bằng đại học mà còn cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ.

Ông HÀ QUỐC THANH - Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam: Mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là một phiếu trả lời trắc nghiệm

Cần đầu tư thêm vào ngân hàng đề thi để làm sao sự phân hóa đề đạt như mong muốn. Nên tách ra mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là một phiếu trả lời trắc nghiệm. Như vậy sẽ được mấy điều: người làm công tác coi thi có thể quản lý phiếu trả lời trắc nghiệm tốt hơn; tránh thí sinh sau khi nghỉ giữa 2 môn thi có thể trao đổi và điều chỉnh. Trong phiếu trả lời trắc nghiệm phải làm phách.

Bà PHẠM THỊ HẰNG  Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa:  Không cần chấm chéo

Để hoàn thiện kỳ thi năm 2019, trước hết cần hoàn thiện khâu đề thi, bộ ngân hàng đề để làm sao đánh giá được kiến thức và năng lực, trình độ của học sinh, tránh đòi hỏi cao quá hoặc dễ quá.
Về khâu coi thi, mỗi điểm thi nên có ít nhất có 3 trường, trong đó có trường đại học của trung ương, địa phương, trường THPT, để giảng viên, giáo viên các trường khi làm nhiệm vụ coi thi có sự kiểm tra giám sát lẫn nhau, tránh chủ quan.
Khâu làm phách trong bài thi trắc nghiệm nên nghiên cứu để có thể mã hóa về phách, để làm sao cán bộ chấm thi không thể biết được bài đó là bài thi của học sinh nào. Hội đồng làm phách trắc nghiệm và tự luận nên cách ly triệt để đến khi chấm xong.
Không nhất thiết phải đổi chấm chéo giữa các địa phương vì trên thực tế có rất nhiều tỉnh làm tốt khâu chấm thi. Quan trọng là việc giám sát thực hiện chặt chẽ các quy định, quy chế. Có thể lắp thêm camera giám sát ở các điểm chấm nhằm hạn chế bớt tiêu cực. 

Ông NGUYỄN ĐÌNH VĨNH  - Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng: Tán thành chấm chéo

Việc có nên chấm thi trắc nghiệm theo cụm, hoặc chấm chéo, hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật và bộ có thể chỉ đạo cho sở thực hiện. Chấm thi trắc nghiệm nên đưa về các cụm tập trung khi chúng ta có đầy đủ cơ sở vật chất, chỉ cần hoán đổi các thành viên về mặt kỹ thuật xử lý bài thi chéo nhau, yên tâm là kết quả chính xác.
Với các môn tự luận, trước đây đã tổ chức chấm chéo giữa các tỉnh thành, nay để đảm bảo khách quan tuyệt đối, việc tổ chức chấm chéo cũng không gây khó khăn gì. Vấn đề là chúng ta cần tính toán khoảng cách di chuyển của bài thi, hoán đổi sao cho hợp lý.

Bà NGUYỄN THỊ QUYÊN THANH - Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long: Nên thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm liên tỉnh hoặc khu vực

Nên thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm liên tỉnh hoặc khu vực. Quyết định thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm và phương án phân công chấm thi theo nhóm tỉnh hoặc khu vực do Bộ GD-ĐT ban hành và được bảo mật cho đến thời điểm phù hợp mới công bố (thời điểm công bố trước thời điểm bàn giao bài thi về địa điểm chấm không nhiều).
Tổ chấm trắc nghiệm tiếp nhận đề thi từ các hội đồng thi; cán bộ tham gia chấm thi trắc nghiệm và lực lượng thanh tra, giám sát phải được cách ly hoàn toàn với bên ngoài kể từ lúc tiếp nhận bài thi từ các hội đồng thi (hoặc từ khi được tập trung; thời gian tập trung bao gồm thời gian tập huấn sử dụng phần mềm chấm thi và thời gian chấm thi) đến khi công bố kết quả thi tạm thời. 
Đối với bài thi tự luận thì đề nghị vẫn giao cho địa phương chấm thi nhưng thống nhất tổ chức đánh phách 1 vòng và cách ly ban làm phách hoàn toàn từ lúc làm nhiệm vụ đến lúc chấm xong bài thi cuối cùng song song đó là tăng số lượng cán bộ chấm thi tự luận.

Tin cùng chuyên mục