Không phải đến bây giờ mà cách nay hơn 10 năm, ngành y tế Việt Nam đã vạch định chiến lược cho sự phát triển ngành dược trong nước, đó là biến “công nghiệp dược thành một ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Nhìn lại chặng đường đi qua, ngành dược đã có những biến chuyển đáng kể, nhưng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, quả là chưa chạm tới. Hơn nữa, mục tiêu đến năm 2010, theo chỉ đạo của Chính phủ là phấn đấu tỷ trọng thuốc trong nước phải đáp ứng 60% tổng giá trị sử dụng, cũng chưa đạt được.
Lý giải cho những “chậm chạp” trên, các chuyên gia ngành dược không khỏi ngán ngẩm khi việc quy hoạch không được xây dựng một cách hiệu quả. Nếu như ngoài khoảng 10 công ty dược trung ương được xem như những con “át” chủ bài, thì hầu như tỉnh, thành nào cũng có một công ty dược. Tuy nhiên, có những tỉnh mà công ty dược gần như không hoạt động, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng với mục đích chính là gia công, sản xuất những loại thuốc thông thường có giá trị thấp.
Sự đóng góp đáng kể cho ngành dược nước nhà phải kể đến những công ty dược thương mại, cổ phần hoặc liên doanh. Từ khoảng 160 công ty sản xuất tân dược năm 2005, hiện cả nước đã có hơn 180 công ty. Sự phát triển này chưa phải là nhanh nhưng cũng đánh dấu được bước trưởng thành. Song sự thiếu liên kết, cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau đang khiến ngành dược trong nước ngày càng bị “lép vế” trước các hãng dược nước ngoài.
Một chuyên viên của Cục Quản lý dược từng than thở, hàng tháng xét số đăng ký mà các mặt hàng thuốc trong nước giống nhau quá nhiều, không biết nên cấp cho mặt hàng nào, bỏ mặt hàng nào! Điều đó làm cho các sản phẩm thuốc trong nước trở nên kém cạnh tranh và tự băm nhỏ thị phần lẫn nhau. Vấn đề thứ hai là công nghệ dược kém hiện đại, nếu không nói là lạc hậu. Chẳng trách mà Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) xếp công nghiệp dược Việt Nam ở mức “đóng gói bán thành phẩm nhập khẩu, gia công. Sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập khẩu”. Liệu có oan uổng khi đến nay vẫn còn không ít công ty dược phẩm sản xuất theo kiểu thủ công, dùng công nghệ từ những năm 1990. Theo thống kê mới nhất của Cục Quản lý dược, chỉ có 98 trong số hơn 180 công ty được chứng nhận Thực hành tốt sản xuất (GMP).
Vậy cơ sở nào để kỳ vọng về một nền công nghiệp dược nước nhà mà theo kế hoạch định hướng của Bộ Y tế là đến năm 2020 phải đáp ứng được 80% tổng giá trị sử dụng của toàn dân, đảm bảo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với 3 tiêu chí: kinh tế - y tế - xã hội? Sự thực, Bộ Y tế đã có chương trình phát triển đầu tư cho 3 nhà máy sản xuất dược phẩm trọng điểm tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam để sản xuất thuốc thiết yếu, thuốc chủ yếu dùng trong bệnh viện, thuốc cho các chương trình y tế quốc gia và thuốc phục vụ thiên tai, dịch bệnh. Song đến nay vẫn chưa rõ dự án này đã triển khai đến đâu. Chỉ biết rằng, hiện 3 công ty dược thuộc tầm “anh cả” là công ty dược phẩm Trung ương 1, Trung ương 2, Trung ương 3 vẫn chưa thể hiện được vai trò của mình khi thị phần vẫn còn rất khiêm tốn! Thậm chí cũng không hoàn thành kế hoạch dự trữ lưu thông thuốc quốc gia giai đoạn 2006 - 2010 như Thanh tra Chính phủ đã vạch rõ.
Kế nữa là quy hoạch sản xuất và cung ứng thuốc theo cơ cấu bệnh tật và xác định các nhóm tác dụng dược lý chủ yếu để định hướng chuyên môn hóa cho các công ty dược trong nước. Với cơ cấu bệnh tật thay đổi, những bệnh huyết áp, tim mạch, ung thư… đang ngày càng phổ biến và là gánh nặng chi phí thì việc tập trung sản xuất những nhóm thuốc điều trị những bệnh trên là cần thiết. Theo đánh giá của các chuyên gia, dù chưa phải hùng hậu nhưng với số lượng công ty dược trong nước hiện nay, nếu được quy hoạch và định hướng tốt cùng với các chính sách đi kèm thì khả năng đáp ứng phần lớn nhu cầu sử dụng là hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, để làm được điều đó phải tạo hành lang pháp lý cho thuốc sản xuất trong nước được phân phối đúng với giá trị thực. Từ đó, các doanh nghiệp dược trong nước có điều kiện tái đầu tư sản xuất và phát triển. Hơn nữa, chính các công ty dược chủ động khai thác đón đầu các hoạt chất hết thời hạn bảo hộ độc quyền. Chủ động liên doanh, liên kết và ứng dụng các thành tựu của công nghệ sinh học, công nghệ gen vào sản xuất dược phẩm. Mặt khác, phát huy tiềm năng về dược liệu và thuốc y học cổ truyền, đẩy mạnh công tác nuôi trồng và chế biến dược liệu, xây dựng ngành công nghiệp bào chế thuốc có nguồn gốc từ dược liệu và thuốc y học cổ truyền trở thành một phần quan trọng của ngành dược Việt Nam.
Bên cạnh phát triển sản xuất thuốc trong nước như nói ở trên, không còn cách nào hơn là đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Đó cũng là cách để kích cầu ngành dược nước nhà. Hiện hơn 2/3 số thuốc người dân sử dụng đều được bác sĩ kê toa, nhưng không ít trong số đó được kê thuốc ngoại bởi bác sĩ đã “ăn hoa hồng”. Chính vì vậy, phải bắt buộc các bác sĩ phải kê thuốc gốc (tức tên thuốc gốc, không phải tên thương mại); ưu tiên dùng thuốc Việt nếu có hoạt chất tương đương thuốc ngoại. Cùng với đó, phải tuyên truyền sâu rộng trong người dân để họ biết, hiểu về thuốc nội, xóa bỏ tư tưởng “sính ngoại” bấy lâu nay…
Quỳnh Chi