Bình luận

Lạc điệu!

Giữa lúc quan hệ Việt Nam-Mỹ đang có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt là việc nâng tầm hợp tác, đối tác nhiều mặt trong năm qua thì tại Quốc hội Mỹ, có quan chức giới thiệu dự luật về nhân quyền Việt Nam, đòi cấm một số thành viên trong Chính phủ Việt Nam vào Mỹ và quan hệ làm ăn với các công ty Mỹ. Dự luật do Hạ nghị sĩ Ed Royce của đảng Cộng hòa soạn thảo còn kêu gọi Quốc hội Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước “vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo”.

Đó là sự xuyên tạc sự thật ở Việt Nam. Bởi mới cách đây vài ngày, một cuộc khảo sát do tổ chức nghiên cứu thị trường BVA và Hiệp hội quốc tế Gallup phối hợp thực hiện trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 12- 2010 cho biết, dân Việt Nam đứng đầu nhóm nước lạc quan nhất thế giới. Có đến 70% người Việt Nam được hỏi ý kiến tin tưởng vào tương lai kinh tế Việt Nam. Hồi tháng 4 năm 2010, hãng tin AP của Mỹ công bố kết quả thăm dò dư luận tại Việt Nam cho thấy người Việt Nam rất lạc quan về tương lai đất nước, 81% người được hỏi cho rằng đất nước đang đi đúng hướng.

Tác giả Ben Stocking của AP trong bài viết về Việt Nam còn so sánh kết quả này là một sự tương phản rõ nét so với những cuộc khảo sát được tiến hành gần đây ở Mỹ, khi phần lớn người dân cho rằng nước Mỹ đang đi sai đường. Tháng 7 năm ngoái, Hiệp hội kinh tế mới tại Anh công bố chỉ số hạnh phúc và xếp Việt Nam đứng thứ 5 trong danh sách này với 65% người dân hài lòng với cuộc sống. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ, Việt Nam được LHQ đánh giá là một trong những nước có khả năng về đích sớm nhất trong việc thực hiện 8 mục tiêu, đặc biệt Việt Nam đã đạt thành tựu đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo.

Việt Nam vẫn còn là một quốc gia có thu nhập trung bình, vẫn còn nhiều việc phải làm, phải học hỏi ở bạn bè quốc tế. Vì vậy những điều kể trên chưa phải là thành tích để hài lòng. Nhưng có một thực tế là ở một quốc gia mà người dân tin tưởng vào tương lai của đất nước và cảm thấy hạnh phúc như thế thì chắc chắn ở quốc gia đó, các quyền cơ bản của con người đã được đảm bảo.

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của riêng mình và luật pháp được xây dựng trên cơ sở những quy chuẩn đó, cũng như khái niệm về quyền con người cũng được hiểu dựa trên nền tảng này. Vì vậy, những ai muốn đánh giá chính xác về nhân quyền của một quốc gia thì không chỉ phải đến tận nơi, nhìn tận mắt mà còn phải hiểu được cội nguồn văn hóa của dân tộc ấy. Chính cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong một chuyến thăm Trung Quốc khi còn đương nhiệm đã khẳng định vấn đề nhân quyền phải được hiểu dựa trên lịch sử, văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.

Quan hệ Việt Nam-Mỹ đang phát triển tốt đẹp và chắc chắn sẽ còn tiếp tục vì đó là xu thế chung của kỷ nguyên hợp tác, hòa bình và cùng phát triển cũng như đó là nguyện vọng chung của nhân dân hai nước. Một vài tiếng nói lạc lõng tại Quốc hội Mỹ sẽ không thay đổi được xu thế đó. Nó giống như một âm thanh lạc điệu trong dàn nhạc giao hưởng đang biểu diễn trên sân khấu. Bản giao hưởng chắc chắn sẽ kết thúc nhưng giá như không có âm thanh lạc lõng ấy thì nó sẽ kết thúc hoàn mỹ hơn.

Việt Trung

Tin cùng chuyên mục