Lại chuyện thật, giả...

Một họa sĩ có tiếng kể với chúng tôi rằng, có người khi thăm xưởng vẽ của ông nhìn thấy 2 bức tranh giấy dó màu nước do họa sư Lưu Công Nhân ký tặng cá nhân ông và cô con gái độc nhất, đã nằng nặc đòi mua bằng được với giá mỗi bức tĩnh vật là 4.000 đô. Dĩ nhiên ông đã từ chối và nói thêm rằng tranh Lưu Công Nhân bị làm giả tràn lan, nên xác tín nhất… là mua tranh có thủ bút đề tặng để “cho chắc”. 

Đấy là thực trạng chung của thị trường hội họa với sự hỗn loạn thật thật, giả giả, không thể phân biệt nổi đâu là đồ giả đâu là đồ thật.

Mới đây, những người yêu nghệ thuật đã phát hiện một vựng tập bốn bức tranh được gán cho bốn danh họa trường Mỹ thuật Đông Dương là Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Sáng, đều là tranh giả hoặc tranh chép, sắp được đem đấu giá tại Sotheby’s Hong Kong vào ngày 6-10 tới.

Đáng chú ý nhất trong số đó là bức sơn mài “Vietnamese Villagers” (Dân làng quê Việt) được nhà đấu giá nổi tiếng nhất thế giới để tên họa sĩ Nguyễn Sáng. Người quen xem tranh Nguyễn Sáng đều quả quyết bức tranh có hơi hướng mỹ nghệ của tranh Bờ Hồ hay chợ Dân Sinh này gần như không có điểm nào mang dấu ấn phong cách của Nguyễn Sáng. Thậm chí chữ ký dưới tranh cũng không phải là Sáng mà là Sang và thứ nữa, cảnh và người trong tranh là của vùng quê phía Nam chứ không phải phía Bắc như đề tài sáng tác thường thấy của Nguyễn Sáng.

Câu hỏi đặt ra là lẽ nào giám tuyển Tây của Sotheby’s lại nhầm lẫn khi đặt “các cụ Đông Dương” ngang tầm với các tay mơ? Và thật ra không dễ trả lời, bởi chính chúng ta đã làm nát thị trường tranh, làm méo mó hình ảnh về sự năng động và sáng tạo của giới cầm cọ Việt Nam. Cũng chính họa sĩ nói ở trên đã thổ lộ rằng ông nhiều lần được mời đi thẩm định tranh mua mà không dám nói với khổ chủ là tranh giả, tranh nhái, vì người ta đến gallery mua tranh có giá cả trăm triệu đồng để tặng sếp cho được tiếng là “nhã”, thế nên nếu nói “toạc móng heo” thì thật tội nghiệp người nhân viên đang... hết lòng vì sếp!? Mà thực ra, muốn mua được nguyên bản thì mua ở đâu? Đó là trò chơi sổ xố, thường xui nhiều hơn hên, khi tệ nạn sao chép, ăn cắp bản quyền cứ nhan nhản từ đầu đường đến xó chợ, nào là tranh treo tường, decal dán tường, đồng hồ treo tường hay các vật dụng khác như gốm sứ, đồ mỹ nghệ trưng trong nhà… Hiện không thiếu các “phòng tranh” online giao bán tận nhà các họa phẩm nhái, chép của các họa sĩ trong và ngoài nước giống như cách thương mại trực tuyến đem bán hàng lạc-xoong giao qua Grab hoặc Go-Viet. Hồi đầu năm, một nhóm họa sĩ đã lên tiếng nhờ luật sư kiện các chủ kinh doanh áo dài sử dụng tác phẩm nghệ thuật của họ in lên thân áo dài để bán. Đa phần các bức tranh được họ tải trên mạng về, xử lý photoshop rồi in lên nền vải áo dài, nghĩa là muốn gì có nấy, muốn tranh của danh họa nào có ngay danh họa nấy, muốn em Thúy của Trần Văn Cẩn có ngay em Thúy sống động đong đưa trước gió.

Công nghệ làm thay đổi thế giới nhưng cũng mở ra chân trời không giới hạn cho tệ nạn ăn cắp bản quyền. Trước kia, muốn có bức tranh chép thì thuê một đội ngũ chép tranh là những người có năng khiếu hội họa. Còn giờ đây, chỉ cần một máy in màu kỹ thuật số chuyên dụng là có thể in lên đủ các loại vật liệu như vải canvas, lụa, gốm sứ hay các bề mặt khác, thì tác phẩm nào cũng có thể sao chép “không giống không lấy tiền”, giống đến mức tác giả cũng không thể phân định đâu là con đẻ, đâu là con phái sinh. Và kết cục dễ thấy - theo như thừa nhận của một nhà sưu tập - ở Ấn Độ giá tranh của một họa sĩ cỡ bậc trung vào khoảng 40.000 đô la Mỹ, ở Trung Quốc thì gấp 10 lần số này, còn ta… chỉ 4.000 đô đã “mừng hết lớn”. Thế nên mới có so sánh: tại sao kích thước tranh to bằng nhau, chất liệu vẽ giống nhau, đề tài phong phú như nhau và tài năng như nhau mà chúng ta… lại có giá bán kém từ 10 đến 100 lần?

Có nhiều yếu tố về sự thiếu chuyên nghiệp, nhưng dễ thấy nhất là bởi tự ta làm mất uy tín ta qua mớ tranh giả, tranh nhái. Cần lành mạnh hóa thị trường nghệ thuật bằng những chế tài mạnh hơn, không thể cứ xin lỗi, gỡ bỏ là xong!

Tin cùng chuyên mục