Làm giàu bằng sản phẩm khoa học không khó

Nhà khoa học làm kinh tế có khó không? Cơ hội và thách thức của các bạn trẻ theo học ngành kỹ thuật công nghệ trong giai đoạn mới? Vai trò của Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) TPHCM trong hỗ trợ, kích thích hoạt động đổi mới sáng tạo?… Đó là những vấn đề mà hơn 300 sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM đặt ra cho các diễn giả tại buổi tọa đàm “Chân dung nhân sự trẻ ngành khoa học công nghệ” vừa được tổ chức.

“Tốt nghiệp ngành toán, chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), rồi sau đó trực tiếp điều hành kinh doanh tại Tập đoàn FPT, tôi nhận ra rằng người làm kinh doanh xuất thân từ khoa học luôn có những lợi thế nhất định, bởi khả năng tự nghiên cứu, làm chủ công nghệ, hiểu giá trị sử dụng để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn”, nguyên Phó chủ tịch Tập đoàn FPT Hoàng Minh Châu khẳng định trước băn khoăn của nhiều bạn trẻ, đồng thời dẫn chứng trên thế giới, những nhà khoa học có phát minh xuất sắc đều trở nên giàu có, như Apple, Facebook… Chỉ cần tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội thì nhà khoa học hay doanh nhân sẽ đạt được sức mạnh kinh tế.

Cũng theo ông Hoàng Minh Châu, thành công không đến từ sự may rủi mà phải có chiến lược, có đàm phán, hợp tác. Nhà khoa học hay doanh nhân đều phải  nỗ lực đúng, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ mà xã hội cần. Kiến thức thôi chưa đủ, thái độ cũng khá quan trọng. Thái độ tốt là thấy mình nghèo càng phải làm việc nhiều hơn, thấy mình ít đối tác phải mở rộng giao lưu. Có chăm chỉ, nỗ lực đúng, cởi mở, kết nối và giúp đỡ mọi người, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn. Cùng với đó, cần nhiều sự bền chí, sức khỏe tốt.

PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM, chỉ ra vấn đề còn tồn tại hiện nay là có một khoảng cách giữa chương trình đào tạo của nhà trường và nhu cầu của doanh nghiệp (DN). Khoảng cách này không bao giờ triệt tiêu mà chỉ có thể thu hẹp lại. Muốn vậy, nhà trường và DN cần có sự hợp tác chặt chẽ, thường xuyên trao đổi với nhau. Nhưng quan trọng nhất vẫn xuất phát từ nỗ lực tự thân của mỗi bạn trẻ. Để trau dồi kiến thức, kỹ năng, đáp ứng nhu cầu của DN, sinh viên cần chủ động kết nối với các thầy cô giáo, giảng viên để tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học.

Theo lý giải của GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, sinh viên rất khó nhận được các đề tài khoa học bởi sự hạn hẹp về kiến thức cũng như kinh nghiệm. Nhưng không phải vì thế mà các bạn trẻ không có những nguồn hỗ trợ khác. Hiện nay, Sở KH-CN có khá nhiều chương trình hỗ trợ giảng viên, sinh viên, nhà khoa học trẻ tham gia vào nghiên cứu khoa học như chương trình vườn ươm, cuộc thi sáng tạo trẻ… Nêu thêm thực tế rằng hiện rất nhiều bạn trẻ có khát vọng làm giàu mạnh mẽ, GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng nhận định: “Khát vọng làm giàu là chính đáng, nhưng các bạn trẻ phải có trang bị đầy đủ các yếu tố để khát vọng đấy trở thành sự thật. Chúng ta cứ bảo nền giáo dục, chính sách của chúng ta có vấn đề, nhưng thay vì ngồi đó và chờ, chúng ta phải làm gì? Tôi khuyên các em ngồi đây, nên trang bị cho mình những kiến thức nền tảng, kỹ năng cơ bản. Nền tảng chắc để khi ra trường, các bạn tiếp tục bổ trợ nâng cao kiến thức mới có thể thành công, góp phần cho sự phát triển của đất nước”.

GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục