Lâm Hán Thành với nét thư pháp lạ

Họa sĩ, nghệ sĩ thư pháp tài hoa Lâm Hán Thành (ảnh) sinh trưởng tại khu vực Chợ Lớn, TPHCM. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật TPHCM, Hội Thư pháp TPHCM, từng đưa tác phẩm thư pháp về thơ Nôm của VN giới thiệu đến các nước trên thế giới và tham gia nhiều trại giao lưu học tập, sáng tác, triển lãm thư pháp tại Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brunei, Malaysia. Ông cũng là đại biểu duy nhất của VN được mời tham gia triển lãm người Hoa toàn cầu cùng viết Thiên tự văn hồi trung tuần tháng 5 vừa qua tại Hà Nam, Trung Quốc.
Lâm Hán Thành với nét thư pháp lạ

Họa sĩ, nghệ sĩ thư pháp tài hoa Lâm Hán Thành (ảnh) sinh trưởng tại khu vực Chợ Lớn, TPHCM. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật TPHCM, Hội Thư pháp TPHCM, từng đưa tác phẩm thư pháp về thơ Nôm của VN giới thiệu đến các nước trên thế giới và tham gia nhiều trại giao lưu học tập, sáng tác, triển lãm thư pháp tại Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brunei, Malaysia. Ông cũng là đại biểu duy nhất của VN được mời tham gia triển lãm người Hoa toàn cầu cùng viết Thiên tự văn hồi trung tuần tháng 5 vừa qua tại Hà Nam, Trung Quốc. 

Vừa qua ông đã thực hiện thành công bộ thư pháp Hán Nôm hết sức công phu, mới lạ và độc đáo, với gần 70 tác phẩm thể hiện qua nhiều thể loại chữ: khải thư, hành thư, lệ thư, triện thư và thảo thư, qua các tác phẩm văn thơ cổ đại Việt Nam, văn thơ nước ngoài và kinh Phật. 

Chú trọng khai thác nền văn học cổ đại của nước nhà, nhằm giới thiệu đến những người yêu thích thư pháp tiếp cận kho tàng quý báu là những tác phẩm thơ văn bằng chữ Hán và chữ Nôm của tiền nhân. 4 bài thơ của Trần Nhân Tông được thể hiện trên 4 chiếc quạt, bằng hình thức lệ thư, 4 tác phẩm với bố cục khác nhau đã trở thành một chỉnh thể thống nhất.

Đây được đánh giá là một nét mới trong thư pháp. Các tác phẩm trích lục từ Việt Nam Hán văn tiểu thuyết trùng lâm và Việt điện ưu linh tập gắn liền với lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam được chọn thể hiện như: Trống đồng, sự tích dưa hấu Mai An Tiêm, sự tích Tây Hồ, sự tích bánh chưng bánh dầy, sự tích Hòn Vọng Phu, truyền thuyết Hai Bà Trưng... Ngoài ra còn có các tác phẩm Ngọc Tỉnh liên phú (Mạc Đĩnh Chi), Vạn kiếp tông bí truyền thư tựa (Trần Khánh Dư), Qua đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan). 

Sử dụng hình thức lệ thư, tác giả đặc biệt giới thiệu 6 bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau đó bồi dán lên bình phong với cách trình bày rất trang trọng, phác họa chân dung một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn của vị lãnh tụ tài ba xuất chúng. Ngoài ra, nhiều tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Khuyến, Cao Bát Quát, Trần Tế Xương… cũng được thể hiện vừa đậm nét truyền thống, vừa giàu tính sáng tạo. 

Phần văn thơ nước ngoài, nghệ sĩ Lâm Hán Thành giới thiệu một số tác phẩm, tác giả nổi tiếng như: Thiên tự văn - một cuốn sách vỡ lòng của người xưa, những danh tác và danh ngôn của các bậc tiền hiền, thơ của Lý Bạch, Nhan Chấn Khanh… được thể hiện với thủ pháp mới lạ, mang đến một cái nhìn mới cho thư pháp. Ở đề tài kinh Phật, ngoài trọn bộ Kinh Kim Cang 5.600 chữ được cách điệu thành khung cửa sổ, còn có tác phẩm bình phong 6 bức của Tâm kinh…

MINH AN

Tin cùng chuyên mục