
1. Cuộc thi “Người dẫn chương trình truyền hình 2009” do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức, đang chuẩn bị đến đích. Chỉ còn một đêm thi nữa thôi (20-8), khán giả sẽ biết chủ nhân của các giải Én Vàng, Én Bạc. Nhưng với 4 đêm thi chung kết vừa qua, điều khiến khán giả nhận ra rõ nhất là không hiếm thí sinh vừa yếu kiến thức, thiếu bản lĩnh nhưng thừa… lời nói.
Ông Nguyễn Chí Tân, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM, Trưởng BTC khẳng định: “Tất cả MC, dù là những MC giỏi hiện nay, đều phải đáp ứng được hai yêu cầu: học thuộc kịch bản và ứng biến nhanh. Các thí sinh tham gia cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình 2009 cũng phải đạt được hai yêu cầu này. Ai không làm được, ai bộc lộ yếu kém, tất nhiên sẽ bị loại”.
Thật ra, nói là học thuộc kịch bản, nhưng không thể chỉ thuộc như “vẹt”. Thí sinh cần phải có kiến thức, có tư duy để hiểu vấn đề và truyền tải vấn đề ấy một cách gãy gọn, súc tích. Chính vì chỉ chăm chú học thuộc bài, thiếu cảm xúc, nên khi đứng trên sân khấu, trước máy thu hình và hàng trăm khán giả, thí sinh lúng túng, ấp úng, nhìn vừa đáng thương, vừa đáng buồn. Khi không thuộc bài, không biết nói gì, sau một vài giây đứng “đơ” trên sân khấu, thấy khán giả vỗ tay quá, quýnh quáng quay lại “cảm ơn khán giả đã ủng hộ”.
Có thí sinh đọc vội vàng vài câu thơ vốn là những vần thơ nổi tiếng, nhưng sự lướt nhanh vẫn bị giám khảo và khán giả phát hiện phần sai kiến thức về thơ Tố Hữu. Sự ứng biến của thí sinh như vậy bỗng thành tác dụng ngược! Các em nói nhiều, nhưng chẳng đâu vào đâu. Càng nói dài các em càng lộ rõ sự yếu kém cả về kiến thức lẫn bản lĩnh của một MC. Qua cuộc thi, có cảm giác một số thí sinh không am tường, không thuộc lịch sử, nhưng vẫn nói… liều.
Trong một chương trình truyền hình trực tiếp, MC nếu không tinh thông nghiệp vụ, ứng biến giỏi, bản lĩnh vững vàng thì sẽ phá hỏng cả một chương trình. Chính vì vậy, các MC đều phải học thuộc kịch bản trước và có cảm xúc khi dẫn dắt chương trình. Tuy nhiên, học thuộc lòng kiểu như một số thí sinh vừa qua, cũng dễ bị “chết đứng”.
Các thí sinh tham gia cuộc thi.
2. Cuộc thi “Người dẫn chương trình truyền hình” nhằm tìm kiếm, bổ sung những gương mặt MC mới cho các chương trình của HTV. Sau 5 năm tổ chức, đến lần tổ chức thứ 6 này, BTC đã có nhiều thay đổi để cuộc thi hấp dẫn hơn, chất lượng hơn.
Các thí sinh lọt vào vòng chung kết năm nay đều có ngoại hình, chất giọng tốt. Nói về đề tài đương đại, các em đều tỏ ra am tường, thông minh, nhưng khi nói về lịch sử và các nhân vật lịch sử của dân tộc thì bỗng trở thành đề tài “khó nói” với các em và trở nên nặng nề với khán giả.
Dù sao, khi tham gia cuộc thi này, các em cũng hiểu và nhận thấy rằng: để trở thành một MC chuyên nghiệp thật sự không phải chuyện dễ dàng. Ngoại hình đẹp, giọng nói tốt chỉ là những điểm khởi đầu. Kiến thức và bản lĩnh với một MC mới là điều quan trọng. Khi vững kiến thức, MC đã tạo cho mình sự tự tin, ứng biến linh hoạt và xử lý sự cố thông minh.
Trong buổi giao lưu với các thế hệ người dẫn chương trình của HTV đêm 15-8 vừa qua, chắc chắn kinh nghiệm của những MC đi trước sẽ là bài học quý cho các thí sinh đang chuẩn bị bước vào đêm chung kết xếp hạng tới đây. Sẽ có em đủ tài đoạt giải Én Vàng, Én Bạc, nhưng để đứng được với nghề, để được công nhận là một MC thực thụ, các em còn phải trau dồi rất nhiều về cả kiến thức lẫn bản lĩnh khi đứng trên sân khấu
NHƯ HOA