(SGGP).- Ngày 10-8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã tổ chức lễ mít tinh tưởng niệm 50 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961–10-8-2011). Tới dự lễ mít tinh có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đại diện các ban ngành, đoàn thể ở Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế và nhiều nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan xúc động nói: “Chất độc da cam mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đã tước đoạt quyền sống của hàng triệu người Việt Nam. Rất nhiều trong số họ đã trở thành người tàn tật suốt đời, con cháu họ do di chứng từ cha, mẹ, ông, bà đã bị dị dạng, dị tật ngay từ khi mới sinh, nhìn thấy họ ai cũng đau lòng”.
Phó Chủ tịch nước hoan nghênh các nạn nhân chất độc da cam với ý chí mạnh mẽ đã vượt qua rất nhiều khó khăn để hòa nhập cộng đồng. Đồng thời đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân cả nước, VAVA và đồng bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế đã ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân da chất độc cam Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì công lý và trong cuộc sống ngày một tốt hơn. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để giúp các gia đình và nạn nhân chất độc da cam bớt đi những khó khăn trong cuộc sống. Cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng ra sức ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần giúp đỡ các nạn nhân và gia đình của họ vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, trước thực tế cuộc sống của các nạn nhân Việt Nam vẫn còn rất khó khăn vì bệnh tật hiểm nghèo, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước hãy tiếp tục chung tay góp sức, làm tất cả những gì có thể, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ các nạn nhân cải thiện điều kiện sống. Phó Chủ tịch nước cũng kêu gọi Chính phủ Mỹ có trách nhiệm với những thiệt hại đã gây ra cho con người, môi trường và sức khỏe nhân dân Việt Nam.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước hoan nghênh sự hợp tác bước đầu của Chính phủ Mỹ thời gian qua và mong muốn Chính phủ Mỹ tiếp tục cộng tác tốt hơn nữa với Chính phủ, nhân dân Việt Nam trong khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, chăm sóc sức khỏe nạn nhân và tẩy độc ở những điểm nóng dioxin ở Việt Nam.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm anh Nguyễn Sơn Lâm, người đã vượt lên hoàn cảnh do di chứng của chất độc da cam, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Anh Nguyễn Sơn Lâm năm nay 29 tuổi, chỉ cao 90cm, nặng 27kg vì chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam từ người cha là bộ đội đã bị nhiễm chất độc da cam ở chiến trường Đông Nam bộ. Mặc dù bị tàn tật, nhưng bằng ý chí và sự nỗ lực học tập không ngừng, đến nay anh Lâm đã có 2 bằng đại học, biết 2 ngoại ngữ (Anh, Nhật) và hiện nay là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đào tạo Tỏa sáng tại Hà Nội, nơi chuyên đào tạo kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Sáng 10-8, Tổng Công ty Cảng hàng không miền Trung và Trung tâm Xử lý bom mìn và môi trường Quân khu 5 đã đến sinh hoạt giao lưu và trao quà trị giá gần 30 triệu đồng tặng 60 trẻ em là nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng tại cơ sở 3 - đơn vị nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.
Cùng ngày, Hội Nạn nhân chất độc da cam TP đã tổ chức lễ động thổ khởi công xây dựng phòng phục hồi chức năng tại cơ sở 3 - xã Hòa Nhơn thuộc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng. Tổng kinh phí công trình khoảng trên 500 triệu đồng. Trước đó, các đơn vị doanh nghiệp, cơ quan quân sự và chính quyền trên địa bàn TP đã trao tặng và hỗ trợ Hội Nạn nhân chất độc da cam TP tổng số tiền gần 50 triệu đồng; các địa phương vận động gây quỹ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam trên 200 triệu đồng.
Sáng 10-8, Hội Chữ thập đỏ huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đến thăm và trao quà cho 37 gia đình nạn nhân da cam (mỗi suất quà trị giá 2.000.000 đồng). Bệnh viện Quân y 268 tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc điều trị miễn phí cho 100 đối tượng là nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn tại TP Huế. Hội Chữ thập đỏ và Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Huế cũng trao 100 suất quà, mỗi suất trị giá 100.000 đồng tiền mặt cho các nạn nhân da cam nói trên.
Trước đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã vận động các nhà hảo tâm đi thăm và tặng quà 270 nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 200.000-500.000 đồng. Riêng gia đình ông Trần Văn Trâm có 4 nạn nhân da cam ở thôn Tân Hòa, xã Cam Tuyền được hỗ trợ hơn 6 triệu đồng.
Cùng ngày, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai tổ chức tọa đàm tưởng niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. 7 năm qua, hội đã huy động được hơn 7 tỷ đồng, giúp xây dựng 75 nhà tình thương, hỗ trợ vốn sản xuất và thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân.
Tỉnh hiện có gần 8.000 nạn nhân da cam. Trong đó có hàng trăm nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba, nhưng mới chỉ có hơn 800 đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Nhóm PV