Lan tỏa khoa học về sự sống tại Việt Nam

Ngày 18-8, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam tổ chức hội nghị quốc tế chủ đề “Gặp gỡ Quy Nhơn lần thứ 5: Hội nghị Sinh học 2022”, với sự tham gia của gần 400 nhà khoa học, học viên, sinh viên đến từ 16 quốc gia trên thế giới.
Lan tỏa khoa học về sự sống tại Việt Nam

GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, cho biết, hội nghị kéo dài đến hết ngày 19-8, trình bày 240 báo cáo khoa học, trong đó có 14 báo cáo của các giáo sư, tiến sĩ khoa học hàng đầu trên thế giới và Việt Nam. Đây là dịp để các nhà khoa học, đặc biệt các nhà nghiên cứu trẻ, học viên, sinh viên ở trong và ngoài nước trình bày các kết quả nghiên cứu, giao lưu, tương tác trong lĩnh vực khoa học về sự sống. 

Tại phiên chính hội nghị, GS David Jackson (Hoa Kỳ) trình bày công trình nghiên cứu của mình về việc tìm ra cơ chế kiểm soát ở tế bào gốc thực vật trong quá trình sinh trưởng, phát triển. Qua đó, có thể ứng dụng kỹ thuật CRISPR-Cas9 để chỉnh sửa gene nhằm tạo được các giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao.

Đặc biệt, nghiên cứu này cũng chỉ ra một số thông tin khá thú vị về các đường truyền tín hiệu ở thực vật và những yếu tố bị che khuất bởi sự dư thừa di truyền…

Trong khi đó, GS Michio Tanaka (Đại học Kagawa, Nhật Bản) chia sẻ công trình nghiên cứu của mình về các nguồn ánh sáng phù hợp cho công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật; tối ưu hóa quá trình nuôi trồng thực vật kỹ thuật cao.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tập trung thảo luận, làm rõ một số báo cáo khoa học về cơ chế già hóa tế bào để cải thiện sức khỏe, kéo dài tuổi thọ ở người hay nghiên cứu điều trị nhiễm khuẩn Staphylococcus aureus trên người và động vật; thảo luận những tiến bộ mới nhất trong công nghệ nghiên cứu vi tảo hay việc ứng dụng các công nghệ tiên phong trong vi nhân giống cây hoa lan…

Tin cùng chuyên mục