Văn hóa là một động lực phát triển kinh tế, xã hội. Điều đó không chỉ là nguyên tắc, chân lý, mà còn là quy luật. Trong văn hóa, văn hóa dân tộc là then chốt, là trung tâm. Từ văn hóa dân tộc, văn hóa xã hội, văn hóa cộng đồng được nâng cấp, nâng tầm. Văn hóa góp phần quan trọng để hình thành các giá trị tinh thần. Tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tự trọng, tự cường, đạo đức ứng xử, tinh thần cầu tiến, tình yêu thiên nhiên, lòng nhân ái là những giá trị con người do văn hóa tạo nên. Không có những giá trị văn hóa ấy, xã hội không thể phát triển.
Văn hóa là một quá trình phát triển tự thân, giao lưu, kế thừa để tạo ra bản sắc. Một quốc gia giàu về văn hóa là một quốc gia có bản sắc văn hóa độc đáo. Bản sắc đó thể hiện rất rõ ở hệ thống di tích văn hóa.
Nước ta là quốc gia giàu có về di tích văn hóa. Các loại hình di tích văn hóa của chúng ta rất phong phú, đa dạng và độc đáo. Thế giới biết nhiều đến Việt Nam qua các di tích văn hóa lớn như Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, di tích Mỹ Sơn, chùa Tây Phương… Bên cạnh các di tích văn hóa lịch sử, hệ thống di tích văn hóa truyền thống cách mạng cũng được thế giới quan tâm, chú ý. Rất đông khách du lịch nước ngoài khi đến TPHCM đều có nhu cầu tham quan địa đạo Củ Chi, một di tích truyền thống cách mạng Việt Nam rất độc đáo.
Có thể khẳng định, di tích văn hóa là một phần nội dung rất quan trọng trong nền văn hóa. Giá trị của các di tích luôn song hành, gắn liền với giá trị của sự phát triển. Không một quốc gia nào không có chính sách bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa. Đảng và Nhà nước ta coi vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị các di tích văn hóa là vấn đề quan trọng trong phát triển văn hóa. Chủ trương, chính sách từ vĩ mô đến vi mô đều đã có. Vấn đề còn lại là, làm thế nào để các di tích văn hóa trường tồn với đất nước, dân tộc và làm điểm tựa cho sự phát triển.
Thực tế cho thấy, để bảo vệ và phát huy di tích, trước hết phải thấu hiểu, cảm nhận đầy đủ giá trị di tích. Tầm cao và sức sống của di tích thể hiện trong giá trị lịch sử, văn hóa. Do vậy, việc trùng tu, tôn tạo, bảo quản di tích nhất thiết phải làm rõ ý nghĩa lịch sử, văn hóa của di tích. Nhất thiết không được phép “làm mới” di tích một cách cơ giới. Sức sống của di tích là giá trị lịch sử, văn hóa. Làm mất đi giá trị ấy, di tích không còn tồn tại. Mặt khác, để các di tích có sức sống mạnh mẽ, vấn đề quảng bá đưa di tích vào đời sống hiện đại cần được xem là vấn đề cần thiết, thời sự. Người ta ví di tích là một thứ tài nguyên quý hiếm. Nếu biết cách khai thác sẽ có rất nhiều lợi ích. Vấn đề này không phải chỉ dành riêng cho ngành du lịch.
Khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên di tích là công việc và cũng là trách nhiệm của toàn xã hội.
Năm mới, xuân về. Dịp tết cổ truyền dân tộc sẽ có nhiều lễ hội, nhiều chuyến du xuân. Các di tích lịch sử văn hóa chắc chắn sẽ nhộn nhịp đông vui trong thời gian tết đến, xuân về. Đây cũng là dịp thử thách các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và ý thức người dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Để sức sống các di tích không bị mai một, mỗi người dân cần biết lắng nghe và thấu hiểu giá trị di tích.
TRẦN VĂN