Đêm ngủ cũng mơ thấy bèo
Bất kể trời mưa dầm hay nắng gắt, cứ đúng 6 giờ sáng, hơn chục chiếc tàu của đội thu gom rác trên kênh lại xuất bến. Chúng tôi lên một chiếc tàu, đi thực tế một chuyến với đội, theo lộ trình từ chân cầu Thủ Thiêm 2, quận 1 qua quận 3, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình. Dọn cho con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 7km được trong xanh, sạch đẹp như ý nguyện của chính quyền và nhân dân TP không phải là việc đơn giản.
Ông Trương Văn Hổ, Tổ trưởng Tổ vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho biết: “Hơn 20 năm trong nghề, trong thời gian đó có khoảng 10 năm làm nhiệm vụ trên dòng kênh này, chúng tôi thuộc từng con nước, ngọn gió, từng đoạn kênh. Mỗi tháng có năm ba ngày gió chuyển hướng từ sông Sài Gòn, từ các kênh rạch vào, hay nước rút, anh em đều phải xuất bến từ 5 giờ sáng để kịp vớt rác, vớt bèo. Chỉ cần chậm khởi hành là dòng kênh ken đặc bèo, rác, mùi hôi thối phát sinh và cá sẽ chết hàng loạt. Khi xưa chưa có tàu, mọi việc đều làm bằng tay, vừa moi rác, vừa xúc lên tàu, cực nhọc lắm! Mấy năm trở lại đây, anh em chúng tôi đỡ cực hơn rất nhiều, nhờ TP đã đầu tư các tàu có máy cẩu rác”. Ông Khuôn điều khiển tàu cập sát bờ kè, cười cười, nói: “Bèo, rác nhiều lắm, xúc cả ngày không hết. Thành nỗi ám ảnh, đến nỗi nhiều đêm ngủ cũng mơ thấy bèo”.
Với công nhân vớt rác trên kênh, chuyện nước rút, gió chuyển hướng chỉ là mối lo nhỏ. Nỗi sợ thường trực và lớn nhất là những lần trời mưa lớn. Ông Huy đang moi rác trong các hốc của bờ kè, nói chen vào: “Dọc hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có nhiều cống xả trực tiếp xuống, nước thải có các loại xà bông, hóa chất tẩy rửa, hóa chất thải ra từ các cơ sở sản xuất, xả thẳng xuống dòng kênh. Các hóa chất này tích tụ ở dưới đáy, khi mưa xuống thì hòa tan và nổi lên mặt nước. Cá không đủ ô xy để thở, chết hàng loạt. Lần đó, trong mấy ngày liền, anh em chúng tôi phải vớt hàng chục tấn cá chết”.
Ông Hổ chia sẻ: “Chiếc tàu này nổ máy rầm rập như vậy, nhưng chắc có lẽ âm thanh xe cộ trên đường lớn hơn, nên nhiều người không hay chúng tôi đang làm việc dưới kênh. Họ vô tư đứng trên cầu phóng uế xuống đầu anh em. Đó là chưa kể, trải dài bờ kênh có nhiều người buông dây câu cá. Tàu đi vớt rác vô tình làm đứt dây câu, thế là họ tức giận ném đá tới tấp vào anh em công nhân. Có lần họ còn rượt đánh anh em đến tận cầu tàu. Chúng tôi chỉ biết năn nỉ. Sau này, khi vớt rác gần bờ, chúng tôi phải chịu khó quan sát và yêu cầu họ thu dây để anh em làm nhiệm vụ”. |
Có cách gì để dòng kênh không còn bèo và anh em bớt khổ? Câu hỏi canh cánh trong lòng chúng tôi khi nhìn công nhân nhọc nhằn vớt rác dọc theo kênh. Đưa ánh mắt nhìn về các dề lục bình, rác thải trôi lềnh bềnh giữa dòng kênh, ông Hổ trầm ngâm cho biết: “Muốn diệt bèo, quá dễ, chỉ cần rải thuốc diệt cỏ là xong. Nhưng, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang cải tạo để xanh hơn, sạch hơn, trong kênh có hàng trăm ngàn con cá. Do vậy, không thể dùng hóa chất gây ô nhiễm. Vớt bèo là giải pháp duy nhất. Chúng tôi chỉ mong muốn người dân cùng chung tay giữ gìn cho con kênh xanh, sạch, đẹp. Hiện nay vẫn còn quá nhiều rác rưởi, phế liệu thải xuống kênh. Rất cần nâng cao ý thức cư dân về việc giữ vệ sinh và môi trường đô thị”.
Đi theo quan sát các công nhân vớt rác, chúng tôi cảm nhận rõ quyết tâm làm sạch dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Dưới kênh các công nhân tất bật vớt rác. Trên bờ kè, dọc 2 tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa, số công nhân khác thì vất vả nạo vét cống. Thời điểm nước thủy triều xuống, tại khu vực cầu Bùi Hữu Nghĩa, nhiều bọc rác từ rạch Xuyên Tâm trôi ra đặc kín. Xen lẫn trong đống rác đó là nệm giường cũ, bàn ghế hỏng và có cả xác súc vật.
Cầu tàu nằm trên đường Trường Sa, khu vực gần cầu Bông là nơi neo, đậu tàu và trung chuyển rác trên kênh. Ở đó chỉ có vài chậu cây kiểng, mấy cây dù, phòng nghỉ di động, ti vi, nhà vệ sinh, nhưng không có bếp ăn. Ông Hổ cho biết: “Nghề vớt rác trên kênh không có giờ ăn, giờ nghỉ trưa. Do vậy, chúng tôi không tổ chức bếp ăn. Phòng nghỉ có 2 giường ngủ, nhưng anh em chả ai vào. Suốt ngày trôi dạt trên kênh. Đói thì neo tàu, lên bờ ăn cơm. Mệt thì tấp vào gầm cầu nghỉ. Anh em tự chủ giờ giấc, nhưng dứt khoát kênh phải sạch. Bất kể giờ giấc, còn bèo, còn rác, thì phải vớt”.