Lãnh đạo TP đã tháo gỡ khó khăn, lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, qua đó các bên cam kết cùng chung tay xây dựng TPHCM - khu đô thị sáng tạo, TP thông minh.
Hạ tầng kém chính là rào cản
Đây là vấn đề được các doanh nghiệp nhắc đến nhiều nhất. Hội nghị thường niên lần này, lãnh đạo TP khuyến khích doanh nghiệp đóng góp ý kiến, lãnh đạo lắng nghe trên tinh thần cầu thị. Như đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nói, đây là dịp để lãnh đạo TP lắng nghe các khuyến nghị, sáng kiến của các doanh nghiệp FDI để cùng chính quyền TP định hình, xây dựng ngôi nhà chung TPHCM ngày càng hoàn thiện về chính sách, tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển bền vững.
Trên tinh thần cởi mở của buổi gặp gỡ, hầu hết các doanh nghiệp FDI chỉ rõ, hạ tầng giao thông kém là rào cản trong thu hút đầu tư của TPHCM. Ông Tomaso Andreaatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), nói thẳng, lãnh đạo TP rất quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng còn nhiều vấn đề cần có để tạo môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả hơn. Chẳng hạn, vấn đề hạ tầng giao thông cần phải được ưu tiên hơn. Đặc biệt là sớm hoàn thành các dự án metro, mở rộng sân bay, di dời cảng ra khỏi TP, giảm kẹt xe. Qua đó, ông Tomaso Andreaatta cũng chỉ ra, bản thân metro sẽ không giải quyết được quá tải giao thông nếu không kết nối mạng lưới xe buýt, cửa hàng kinh doanh thương mại thuận tiện. Bên cạnh đó, TP cần xây dựng dự án điện mặt trời, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú ý việc xử lý chất thải và nước thải, tăng tái sử dụng.
Đồng ý với quan điểm này, ông Carlos Dominguez Agulleiro (Tây Ban Nha) cho rằng sự thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp sẽ làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác, vì nó làm tăng chi phí sản xuất. Đại diện các doanh nghiệp Australia, ông Matthew Lourey, nói: ‘‘TPHCM như một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư, nhưng những năm gần đây dần bị mờ nhạt do vấn đề giao thông. Tình trạng thiếu chỗ đậu xe, tắc nghẽn giao thông ngày càng tăng, nếu không giải quyết được những vấn đề này thì xu hướng hay mong muốn đặt cơ sở tại TPHCM của các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ bị giảm đi’’.
Cải cách hành chính: Cần đơn giản và minh bạch
Về cải cách hành chính, dù có nhiều cải tiến nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn than “thiếu minh bạch trong các thủ tục, gây chậm trễ thường xuyên”. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Italy cho biết, các doanh nghiệp đang chuyển từ các quốc gia khác sang đầu tư vào Việt Nam, nên Việt Nam cần cải cách, rút ngắn thời gian để không mất cơ hội thu hút đầu tư. Cái doanh nghiệp FDI cần là một môi trường đầu tư minh bạch và nhất quán. Pháp luật thay đổi, không rõ ràng, chính là rủi ro đối với doanh nghiệp.
Tương tự, đại diện doanh nghiệp Hồng Công (Trung Quốc) phản ánh, một doanh nghiệp mở cửa hàng nhỏ thôi, nhưng 5-6 tháng mới xong thủ tục. Nguyên nhân là Sở KH-ĐT cần phải gửi văn bản giấy hỏi ý kiến các bộ ngành, lại không có quy định nào về thời hạn trả lời nên kéo dài. Trong khi đó, có hỏi thì các bộ cũng sẽ chấp thuận, nhưng không có chữ “chấp thuận” thì Sở KH-ĐT không cấp. Ngoài ra, thủ tục đóng cửa một văn phòng đại diện hoặc thay đổi trưởng đại diện của doanh nghiệp FDI rất khó vì phải qua kiểm toán, thuế… Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), cũng lo lắng, việc thường xuyên thay đổi hiệu lực của luật pháp và quy định tại Việt Nam, bao gồm chính sách thuế và thuế suất sẽ tạo ra các mối đe dọa cho nhà đầu tư nước ngoài. Bà cho rằng, thuế cần được ổn định. Ngoài ra, việc kiểm tra thuế định kỳ, thường xuyên đang là gánh nặng cho doanh nghiệp vì phải tốn nhiều công sức.
Xây dựng một TP kiến tạo, phục vụ
Trong năm qua, TP đã thu hút được hơn 7 tỷ USD, tăng 15% tổng vốn đầu tư so với năm trước, nâng tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn còn hiệu lực lên gần 45 tỷ USD với 8.112 dự án, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định: Mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cũng chính là “lá phiếu” ủng hộ đối với chính quyền TP trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ và là nguồn động viên để chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng phát triển. Với mục tiêu không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, TPHCM phấn đấu sẽ trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, đóng góp của các doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế TP là rất đáng trân trọng. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân hy vọng các nhà đầu tư tiếp tục phản hồi, đóng góp ý kiến và đề xuất những giải pháp khả thi để cùng xây dựng và phát triển TP bền vững. Trên tinh thần cầu thị, nhất quán, đồng hành doanh nghiệp, các sở ngành đã giải đáp các vướng mắc, phản ánh mà doanh nghiệp nêu ra.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng, quan điểm nhất quán của Việt Nam là đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Bằng những chính sách cởi mở, TP thành nơi hội tụ nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2018, doanh nghiệp FDI đã đóng góp khoảng 2 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng GRDP 8,3%. Nếu không có đầu tư nước ngoài, quy mô GRDP của TP giảm đi 18% và thuế sản phẩm giảm đi 31% - đây là nhân tố quan trọng cho nguồn thu ngân sách. Tính bình quân một doanh nghiệp nước ngoài đóng góp 5 tỷ đồng cho ngân sách. Không những thế, các doanh nghiệp FDI còn đóng góp trong lĩnh vực xuất khẩu, bình quân khoảng 20 tỷ USD/năm, chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP; giải quyết việc làm cho khoảng 670.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp…
Tuy nhiên, một số mục tiêu khi thu hút FDI vẫn chưa đạt được, như tác động lan tỏa từ doanh nghiệp nước ngoài sang các doanh nghiệp trong nước còn thấp; việc chuyển giao và tiếp thu công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài đã đặt ra từ nhiều năm nay nhưng kết quả rất hạn chế; lũy kế giải ngân vốn đầu tư nước ngoài còn thấp, chỉ đạt khoảng 46% tổng vốn đăng ký; trong cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài vẫn ưu tiên đầu tư lĩnh vực bất động sản, chiếm 29% tổng nguồn vốn đăng ký; một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường, những công nghệ rác, công nghệ lạc hậu vẫn thâm nhập, len lỏi vào thành phố để lại những hậu quả khôn lường…
Đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ đạo, các sở ngành phải xử lý triệt để các vấn đề mà doanh nghiệp đặt ra, quyết không để đến hội nghị lần sau, doanh nghiệp lại phải kêu. Cái nào thuộc UBND TP thì TP làm, cái nào vượt thẩm quyền sẽ xin ý kiến Thủ tướng. Đồng thời, TP sẽ kiến nghị cải cách hành chính là phải có quy định về thời hạn các bộ ngành trả lời, nếu quá thời hạn thì TP được quyền thực hiện, nếu có sai, đơn vị không trả lời phải chịu trách nhiệm. TP cũng đã thành lập tổ công tác hỗ trợ đầu tư, nhưng đến nay tổ chưa có “khách hàng” nào. Nay tổ công tác này do chính Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng, nên đồng chí Nguyễn Thành Phong cam kết sẽ hỗ trợ xử lý toàn bộ thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp cho đến khi dự án được cấp phép hoạt động với thời gian giảm 50% so với hiện nay.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, hiện có 425 dự án sắp tới sẽ tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư. Mọi hoạt động được thực hiện công khai, minh bạch. Đồng thời sẽ chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất khác để có được hơn 3.000 dự án và sẽ đấu thầu công khai đến tất cả các nhà đầu tư. Chủ tịch UBND TP cam kết xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, theo chuẩn mực quốc tế. “Vì sự thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của chúng tôi”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nói.
Năm 2019, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân xác định là năm bản lề, cũng là năm đầu tiên về triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Năm đầu tiên triển khai đô thị thông minh, quy hoạch khu đô thị sáng tạo với danh mục các ngành công nghiệp chủ lực rõ ràng. Do vậy, để hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội của giai đoạn 2016-2020, năm nay, TPHCM tập trung giải quyết các vấn đề sau: Tháo gỡ khó khăn các dự án, phấn đấu cuối năm 2020 hoàn thành tuyến metro số 1 và số 2; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh thực hiện đề án TPHCM trở thành khu đô thị thông minh gắn với đô thị sáng tạo, trong đó tập trung vào năm cải cách hành chính với 80% hài lòng trở lên; hoàn thành hệ thống logistics đồng bộ; hoàn thành đề án TPHCM là trung tâm tài chính của khu vực; xây dựng khu công nghiệp mới với quy mô khoảng 300ha cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo... |
Theo báo cáo của UBND TPHCM, trên địa bàn TP có gần 12.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký là 438.000 tỷ đồng. Có khoảng 8.000 dự án với số vốn đăng ký gần 45 tỷ USD. Trong đó, năm 2018, TPHCM đã thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 7,6 tỷ USD. Thế nhưng, vốn FDI đầu tư vào TP bằng hình thức mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) chiếm 83% - điều này được đánh giá là không tạo nên giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Do đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND TP chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy lợi ích và hạn chế các bất cập do đầu tư nước ngoài mang lại; giao Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu các giải pháp tận dụng và gắn kết đầu tư nước ngoài với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Quan điểm nhất quán của TPHCM là tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, chính sách đã đề ra; xây dựng một môi trường đầu tư thuận lợi, mang tính cạnh tranh, theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp với các cam kết trong các Hiệp định FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định, TPHCM luôn thiết tha mời gọi đầu tư nước ngoài, nhưng cũng không hoan nghênh những hoạt động làm ăn không chân chính, trốn tránh nhiệm môi trường, tổn hại đến uy tín của TP. |