Lao động tóc bạc gia tăng tại Australia

Cụ bà Vesela Grujoska (Vesa) 80 tuổi, vẫn hàng ngày có mặt tại nhà ga trung tâm Sydney, Australia vào đúng 6 giờ sáng để quét dọn, lau chùi các toa tàu và cho biết “chỉ nghỉ hưu khi 100 tuổi”.
Cụ bà Vesela Grujoska 80 tuổi vẫn không nghỉ hưu
Cụ bà Vesela Grujoska 80 tuổi vẫn không nghỉ hưu

Cụ Vesa sinh năm 1943, tại một ngôi làng nhỏ ở Macedonia (nay là Bắc Macedonia) và di cư đến Australia cùng gia đình vào năm 1970. Ở độ tuổi xưa nay hiếm, cụ vẫn nằm trong số những người tham gia lực lượng lao động ở xứ sở Chuột túi.

Kênh SBS dẫn một thống kê của cơ quan chức năng Australia cho biết, năm 2021 có hơn 600.000 người lao động từ 65 tuổi trở lên, tăng gấp đôi sau 20 năm.

Chính phủ Australia vừa qua đã công bố luật cho phép người cao tuổi nghỉ hưu và cựu chiến binh được đi làm nếu bản thân có nhu cầu.

Bộ trưởng Các dịch vụ xã hội Australia Amanda Rishworth cho biết, nhiều người cao tuổi nghỉ hưu tại Australia muốn tái gia nhập lực lượng lao động, mang lại lợi ích cho bản thân. Luật mới giúp giảm bớt các rào cản để người cao tuổi có thể kiếm các công việc được trả lương.

“Chúng ta cần đảm bảo rằng hệ thống này khuyến khích người cao tuổi tại Australia đi làm nếu họ muốn. Không ai phải chịu thiệt thòi về mặt tài chính khi ở lại lực lượng lao động lâu hơn, hoặc trở lại lao động sau một thời gian xa cách”, bà Rishworth nói.

Việc có một nguồn tài chính đảm bảo khi cao tuổi hiện không phải là điều dễ dàng với nhiều người dân Australia. Một cuộc khảo sát do trang mạng Finder thực hiện với 1.063 người cho thấy, 23% số người được hỏi thừa nhận rằng họ không có đủ tiền trong quỹ lương hưu hoặc các khoản đầu tư khác để trang trải cuộc sống khi về hưu. 27% thì không chắc liệu họ có đủ tiền để sống khi ngừng làm việc hay không, trong khi 22% tin rằng họ sẽ đủ tiền nhưng chắc chắn phải cắt giảm chi tiêu.

Điều luật vừa công bố nói trên đã nhận được sự ủng hộ lớn từ nhóm người cao tuổi cũng như các tổ chức sử dụng lao động.

NSW TrainLink, doanh nghiệp nơi cụ Vesa đang làm việc, vừa qua đã tôn vinh những đóng góp của cụ trong suốt 50 năm qua cho NSW TrainLink. Đại diện của NSW TrainLink cho biết “muốn có thêm nhiều cụ Vesa nữa” trong tương lai và khẳng định doanh nghiệp không phân biệt tuổi tác người lao động.

“Nếu bạn đủ khả năng về mặt thể chất để làm việc, công ty hoan nghênh và chào đón bạn”, đại diện của NSW TrainLink nói.

Việc các công ty, tổ chức sử dụng lao động Australia tạo cơ hội cho những lao động cao niên diễn ra trong bối cảnh Australia đang “khát” lao động. Đầu tháng 10 vừa qua, Quyền Ủy viên phụ trách việc làm và kỹ năng Australia (JSA) Peter Dawkins đã cảnh báo, Australia đang phải đối mặt với tình trạng lao động thiếu kỹ năng nghiêm trọng nhất trong 60 năm qua.

Theo dữ liệu của JSA, tại Australia, trong năm 2023 có 36% số ngành nghề phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ, tăng so với mức 31% của năm 2022. Cùng với thiếu hụt lượng lớn kỹ thuật viên, nhân viên thương mại, các ngành nghề chuyên môn như y tế, kỹ thuật và khoa học bị ảnh hưởng nhiều nhất.

JSA khuyến nghị Chính phủ Australia nên thực hiện các chiến lược rộng rãi trong giáo dục đại học, đào tạo nghề và di cư để đảm bảo người lao động có những kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần. Trên thực tế, Chính phủ Australia đã thực hiện nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động, trong đó có một thỏa thuận mới đây tài trợ cho các trường đào tạo nghề (TAFE) tại Australia trong 5 năm, trị giá 12,6 AUD (hơn 8 tỷ USD)…

Tin cùng chuyên mục