
Hôm qua, 10-11, Quốc hội đã tập trung tại một hội trường để thảo luận dự án Luật Kinh doanh bất động sản. Trước tình hình thị trường bất động sản phát triển “ngầm” một cách tự phát, qua nhiều cơn “nóng - lạnh” thất thường, nhiều đại biểu nhất trí phải ban hành một đạo luật về kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, dự luật mà Chính phủ trình lên dường như còn chưa đủ quy định để lấp các “kẽ hở” pháp luật, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
- Cho thuê nhà có phải lập... công ty?

Các đại biểu Quốc hội thảo luận dự án luật.
Với mục tiêu bảo đảm sự lành mạnh, công khai, minh bạch trong giao dịch bất động sản, dự thảo luật quy định, các chủ thể hoạt động kinh doanh bất động sản phải có đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải công khai các thông tin liên quan tại sàn giao dịch như: vị trí, quy mô, tính chất..Đa số đại biểu đều đồng tình với những quy định xung quanh vấn đề công khai thông tin.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Lâm (Hải Phòng), việc quy định những thông tin cần phải công khai sẽ góp phần làm minh bạch môi trường kinh doanh bất động sản, tránh tình trạng “sốt ảo” ảnh hưởng đến nhà đầu tư cũng như người có nhu cầu.
Thế nhưng, đại biểu Nguyễn Đức Chính (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn: phạm vi điều chỉnh của dự luật không rõ, còn chồng chéo với một số luật khác. Chẳng hạn: các chủ thể hoạt động kinh doanh bất động sản phải có đăng ký kinh doanh, vậy quy định phải có đăng ký kinh doanh thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản hay theo Luật Doanh nghiệp?
Hơn nữa, đại biểu Nguyễn Đức Chính thắc mắc: luật chỉ điều chỉnh các đối tượng kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp, hay điều chỉnh cả các giao dịch sinh lời mang tính nhỏ lẻ? “Nếu nói như luật, thì chẳng hạn một người có căn nhà mặt tiền, dùng một phần để ở, một phần cho thuê, thì có phải đăng ký kinh doanh hay không?”. Ông Chính cũng lưu ý rằng, đăng ký kinh doanh, nghĩa là phải thành lập công ty.
Còn đại biểu Mai Quốc Bình (TPHCM) nêu ra một “kẽ hở” khác hiện nay: trước đây giá đất ở Củ Chi (TPHCM) chỉ khoảng 100.000 đồng/m2; nhưng khi Nhà nước đầu tư hạ tầng, giá đất lên đến vài triệu đồng/m2. Các nhà đầu tư bất động sản thường “nhào vô” những vùng đất như vậy, và hưởng lợi nhuận rất lớn, trong khi lẽ ra khoản lợi nhuận đó thuộc về Nhà nước. “Dự án Luật Kinh doanh bất động sản cần phải có chế tài để bịt “kẽ hở” này” – đại biểu Mai Quốc Bình đề nghị.
- Đối xử bình đẳng để lành mạnh hóa thị trường
Theo dự luật, tổ chức, cá nhân trong nước được thực hiện tất cả các hoạt động kinh doanh bất động sản và dịch vụ kinh doanh bất động sản. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng được kinh doanh bất động sản và dịch vụ bất động sản, nhưng trừ một số trường hợp như: mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê; nhận chuyển quyền sử dụng đất, kể cả đất đã có kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng, cho thuê.
Nhiều đại biểu chưa đồng tình với quy định này. Theo đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang), hiện nay, hoạt động giao dịch bất động sản rơi vào tình trạng “đóng băng” nhưng giá nhà đất vẫn ở mức cao; nhà đất bán giá cao, nhưng đền bù lại thấp... Nguyên nhân là do thị trường nhà đất không minh bạch, nguồn cung thấp. Vì vậy, ông Trần Hồng Việt đề nghị, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, cần cho phép nhà đầu tư là người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng có cơ hội đầu tư vào tất cả các lĩnh vực, bình đẳng với nhà đầu tư trong nước.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thanh Khiêm (Cà Mau) cho biết, sở dĩ thị trường bất động sản chưa phát triển mạnh là do hoạt động đầu tư chưa được đa dạng hóa. Nếu có quy định “mở” cho tất cả các chủ thể tham gia đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thị trường sẽ phát triển tốt hơn.
MINH – NGỌC - VĂN
Bộ trưởng Bộ Tài chính NGUYỄN SINH HÙNG: |