Lấy phiếu tín nhiệm phải đạt kết quả mẫu mực nhất (*)

LTS

LTS: Ngày 10-6-2013, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trong số báo hôm nay, Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng về vấn đề quan trọng này.

Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nghị quyết đã đề ra một trong những giải pháp “…Quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn… Những người 2 năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi”. Ngay sau đó, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, các đại biểu Quốc hội đã quán triệt, nhất trí cao và quyết định tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 này.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ chủ chốt của các cơ quan quyền lực cao nhất do nhân dân bầu ra. Và tiếp sau đó là Hội đồng nhân dân các cấp sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm thuộc thẩm quyền cấp mình. Đây không phải là cuộc bầu cử con người cụ thể vào những chức danh cụ thể. Ở đây là những đồng chí lãnh đạo cao cấp của Nhà nước có chức danh trong bộ máy rồi. Các đại biểu Quốc hội đánh giá, thẩm định việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm. Mục đích, yêu cầu, phương pháp tiến hành đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn. Đây là kết quả bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu Quốc hội, khi trực tiếp ghi vào lá phiếu tín nhiệm kết quả đạt tốt hay không tốt, thực chất hay không thực chất chính là ở bước này. Tôi hy vọng Quốc hội sẽ làm tốt trách nhiệm của mình, rút ra được kinh nghiệm và làm gương cho Hội đồng nhân dân các cấp làm theo. Nếu việc lấy phiếu tín nhiệm rơi vào hình thức, không phản ánh đúng thực chất phẩm chất, năng lực lãnh đạo, điều hành của những cán bộ trong cơ quan quyền lực cao nhất sẽ tạo nên tiền lệ không tốt đối với Hội đồng nhân dân các cấp và lòng tin của nhân dân. Việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên này có đạt được mục đích, yêu cầu đề ra hay không, trách nhiệm chính ở mỗi đại biểu Quốc hội có thực hiện đúng vị trí người được cử tri tín nhiệm bầu ra. Đầu tiên là việc đánh giá đúng đắn một con người mà lại là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trong các cơ quan quyền lực cao nhất, ở đây có người đã trải qua 2 - 3 nhiệm kỳ Quốc hội, có người mới lần đầu tuy không dài nhưng đủ để những người được lấy phiếu thể hiện được năng lực lãnh đạo điều hành trong phạm vi công việc, lĩnh vực mình chịu trách nhiệm và đóng góp của bản thân trước Nhà nước và nhân dân. Vì vậy việc đánh giá, xem xét mức độ tín nhiệm sao cho chính xác. Tiêu chuẩn để đánh giá: Trước hết phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ, vị trí công tác được phân công như lập pháp, hành pháp, tư pháp rồi đối chiếu gắn với tình hình thực tế đang diễn ra như kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống nhân dân, quốc phòng an ninh… đã thể hiện năng lực của người đó ở mức độ nào so với chức trách, nhiệm vụ được giao. Đây là thước đo chính xác nhất trong đánh giá người đó tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp, hoàn thành nhiệm vụ tốt hay không hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình thực thi nhiệm vụ người đó đã thể hiện rõ năng lực xứng đáng với cương vị được giao; đồng thời về đạo đức phẩm chất cách mạng có giữ được sự trong sạch không; tác phong, phương pháp công tác có sâu sát, gần gũi nhân dân, chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tích cực, chủ động giải quyết những đề xuất kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực mình phụ trách hay chưa.

Mỗi đối tượng được lấy phiếu - bỏ phiếu tín nhiệm ở những chức danh khác nhau, tính chất công việc đánh giá hoàn toàn khác nhau và mức độ tín nhiệm sẽ khác nhau. Thông tin từ bản báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm cộng với thông tin từ dư luận xã hội, cử tri, báo chí, cơ quan, tổ chức đối chiếu với lời hứa trước Quốc hội của người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ có được sự đánh giá công bằng, khách quan cho mỗi đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, để đạt đến độ chuẩn mực, chính xác tương đối, đại biểu Quốc hội cần sàng lọc thông tin về đối tượng lấy phiếu - bỏ phiếu tín nhiệm.

Lần lấy phiếu này, mỗi đại biểu Quốc hội cần nhận thức rõ lá phiếu của mình là thể hiện ý chí, nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân mong muốn một cuộc sát hạch kiểm nghiệm chất lượng nhân sự cấp cao các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tránh tình trạng bỏ phiếu theo cảm tính, không kiểm tra, kiểm nghiệm kết quả cụ thể qua thực tế, bỏ phiếu kiểu “vo tròn”, làm cho xong, đơn giản sơ sài, hình thức.

Khuynh hướng thứ hai là cảm tính, thù ghét cá nhân, không ghi nhận công lao đóng góp của đồng chí mình, thậm chí làm lệch lạc méo mó. Bởi việc lấy phiếu - bỏ phiếu tín nhiệm sẽ ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến uy tín chính trị của mỗi đối tượng được lấy phiếu - bỏ phiếu mà nhân cơ hội này để triệt hạ uy tín của nhau. Cần ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực như tranh thủ phiếu, vận động phiếu, cả nể, thành kiến.

Cuộc tổ chức lấy phiếu - bỏ phiếu tín nhiệm thể hiện quyết tâm của Đảng ta xây dựng bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở thực sự trong sạch vững mạnh, Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Để thành công, mỗi đại biểu Quốc hội qua mỗi lá phiếu phải có một tư duy mới, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc lấy phiếu - bỏ phiếu lần này.

Mỗi đại biểu phải có bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm cao với nhân dân, đất nước, khách quan - trung thực - vô tư - trong sáng, có như thế mới bảo đảm cuộc lấy phiếu - bỏ phiếu tín nhiệm đạt được kết quả cao nhất, mẫu mực nhất và rút ra được kinh nghiệm tốt cho việc xây dựng cơ quan quyền lực của đất nước được vững mạnh.

(*) Đầu đề do Báo SGGP đặt.

LÊ KHẢ PHIÊU
Nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng

Tin cùng chuyên mục