* UBTVQH thông qua Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Sáng 23-12, trong khuôn khổ phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 để chuẩn bị lấy ý kiến nhân dân.
>> 10 vấn đề chính của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Lấy ý kiến nhân dân phải thiết thực, hiệu quả
Theo đó, có 10 nội dung có sự sửa đổi quan trọng trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này so với bộ luật hiện hành. Về hình thức sở hữu, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định 6 hình thức sở hữu. Dự thảo bộ luật sửa đổi quy định 2 phương án về hình thức sở hữu. Theo đó phương án 1 quy định hình thức sở hữu trong Bộ luật Dân sự bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Phương án 2 chỉ có sở hữu riêng và sở hữu chung, trong đó sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Về quyền nhân thân, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định về quyền nhân thân theo cách thức liệt kê cụ thể các quyền nhân thân. Dự thảo bộ luật sửa đổi quy định về quyền nhân thân về cơ bản tiếp tục quy định các quyền nhân thân như trong bộ luật hiện hành. Tuy nhiên, có sửa đổi và bổ sung một số quyền nhân thân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể, quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân...), đồng thời bổ sung một điều khoản chung về các quyền nhân thân khác theo quy định của luật để bảo đảm hơn tính bao quát, dự báo của quy định về quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự.
Về chủ thể, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định chủ thể của quan hệ dân sự bao gồm cá nhân, pháp nhân (bao gồm cả cơ quan nhà nước), hộ gia đình, tổ hợp tác. Dự thảo bộ luật sửa đổi chỉ quy định chủ thể của quan hệ dân sự là cá nhân và pháp nhân, đồng thời có một số quy định riêng về việc tham gia quan hệ pháp luật dân sự của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương (tham gia quan hệ dân sự với tư cách là pháp nhân).
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể đối với các ngành, các cấp, các địa phương để bảo đảm việc lấy ý kiến nhân dân thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí. Đặc biệt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông qua các hình thức điện tử. Việc hướng dẫn cũng cần lưu ý tránh trùng lắp, đồng thời trong quá trình triển khai cần có biện pháp chống lợi dụng việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân để gây rối tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau cần đưa đầy đủ các phương án để lấy ý kiến nhân dân. Tuy nhiên việc lập luận phải thuyết phục, rõ ràng với tinh thần khách quan. Mặc dù theo kế hoạch, thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ 15-1-2015 và kết thúc vào ngày 31-3-2015, nhưng sau mốc thời gian trên vẫn tiếp tục tiếp thu, tổng hợp ý kiến của nhân dân cho đến ngay trước ngày bộ luật được Quốc hội xem xét thông qua.
Cảnh sát môi trường được sử dụng vũ khí
Dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát môi trường đã được UBTVQH thông qua tại phiên họp chiều 23-12. Pháp lệnh này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với cảnh sát môi trường; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đáng lưu ý, cảnh sát môi trường có nhiệm vụ, quyền hạn: thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật; áp dụng các biện pháp công tác công an để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật... Bên cạnh đó, cảnh sát môi trường còn có thẩm quyền tiến hành điều tra các tội phạm về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường theo quy định của pháp luật; tiến hành các hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm khi trực tiếp phát hiện có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính hoặc khi có tố giác, tin báo về tội phạm, vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và trong trường hợp cần thiết, cấp bách được quyền huy động người, phương tiện của tổ chức, cá nhân theo quy định của luật. Lực lượng này cũng được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của luật; sử dụng phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật...
Cũng trong phiên họp chiều 23-12, trước khi bế mạc phiên họp thứ 33, UBTVQH còn cho ý kiến đánh giá kết quả kỳ họp thứ 8, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
ANH THƯ
>> 10 vấn đề chính của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)