Lễ hội Đền Hùng năm 2007 làm sống lại nhiều giá trị văn hóa vùng đất Tổ

Lễ hội Đền Hùng năm 2007 làm sống lại nhiều giá trị văn hóa vùng đất Tổ
Lễ hội Đền Hùng năm 2007 làm sống lại nhiều giá trị văn hóa vùng đất Tổ ảnh 1

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Phú Thọ tham dự lễ dâng hương tại Đền Thượng.

Lễ hội Đền Hùng năm 2007 thực sự là một lễ hội ấn tượng. Bởi du khách và đồng bào trong cả nước tìm về đã được tắm mình trong nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh sinh động không chỉ diễn ra ở khu vực Đền Hùng mà còn ở nhiều vùng phụ cận, do được chuẩn bị một cách chu đáo, như: hội thi bơi chải ở Bạch Hạc, thi làm bánh chưng, giã bánh dày ở xã Minh Nông, Dữu Lâu, hội thi nấu cơm ở xã Đào Xá, hát xoan ghẹo ở Gò Công, múa rối nước tại hồ Khuôn Muồi, hội đánh trống đồng, đâm đuống, trò diễn “bách nghệ khôi hài”, “tứ dân chi nghiệp”… ở ngay trung tâm lễ hội Đền Hùng. Đặc biệt là hoạt động đưa cặp bánh chưng, bánh dày kỷ lục của Công viên Văn hóa Đầm Sen và hàng trăm cặp bánh chưng, bánh dày cỡ vừa của Công viên Văn hóa Suối Tiên (TPHCM), thể hiện tấm lòng của đồng bào miền Nam đối với tổ tiên.

Theo Sở VH-TT tỉnh Phú Thọ, thì nhìn từ góc độ văn hóa, lễ hội Đền Hùng đã có một sức lan tỏa rất to lớn trong nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân. Từ vùng đất cổ Phú Thọ và Khu di tích lịch sử Đền Hùng, cho đến nay, cả nước đã có tới 1.417 di tích có liên quan đến các Vua Hùng.

Phần lớn các di tích trên đất tổ Phú Thọ đều gắn liền với các lễ hội dân gian độc đáo, nổi tiếng, hiện vẫn đang được người dân nỗ lực bảo tồn như : lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, hội phết Hiền Quan, trò trám và rước lúa thần Tứ Xã, hội tịch điền ở Minh Nông, cướp cầu - đánh phết ở Sơn Vi, rước chúa gái ở Hy Cương, rước kiệu ở Hùng Lô, hát xoan và sự tích bánh chưng - bánh dày ở Kim Đức, ném chài ở làng Vân Luông - Vân Phú, tắm ngựa ở Hiền Đa, giã bánh dày ở làng Trúc Phê, trình nghề và cướp kén ở làng Dị Nậu...

Cả một quần thể di tích và lễ hội dày đặc nằm quanh trung tâm Đền Hùng đã làm kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể trên vùng đất Tổ Hùng Vương trở nên vô cùng phong phú.

Lễ hội Đền Hùng năm 2007 làm sống lại nhiều giá trị văn hóa vùng đất Tổ ảnh 2

Hàng vạn đồng bào từ mọi miền tổ quốc hành hương về đất Tổ để dâng hương lên các Vua Hùng. Ảnh: MINH ĐIỀN

Lễ hội Đền Hùng năm 2007 làm sống lại nhiều giá trị văn hóa vùng đất Tổ ảnh 3

Đông đảo người dân về thắp hương ngày giỗ tổ Vua Hùng tại Suối Tiên. Ảnh: AN DUNG

Mới đây, được sự đồng ý của Bộ VH-TT, UBND tỉnh Phú Thọ đã khởi công xây dựng đền thờ Lạc Long Quân tại đồi Sim, xã Chu Hóa (thành phố Việt Trì), nằm trong quần thể Khu di tịch lịch sử Đền Hùng, để tôn vinh công đức của Quốc tổ Lạc Long Quân. Trước đó, dự án đền Mẫu Âu Cơ cũng đã hoàn tất. Theo kế hoạch, ngay sau lễ hội Đền Hùng, UBND tỉnh Phú Thọ và Bộ VH-TT tiếp tục tu bổ lại Đền Thượng nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh.

Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2015, Khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ mở rộng gần 1.000ha về phía Nam. Nếu đền thờ Lạc Long Quân được hoàn tất, cùng với đền thờ Mẫu Âu Cơ và đền thờ các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh thì Đền Hùng sẽ trở thành một quần thể đền đài thờ tự đầy đủ từ Lạc Long Quân - Âu Cơ đến 18 đời Vua Hùng đã có công dựng nước.

Văn Phúc

Tin cùng chuyên mục