

V.I. Lênin
Cho đến ngày nay, những thành tựu khoa học và những cơ sở kỹ thuật công nghiệp năng lượng của nước Nga từ thời Xô Viết vẫn là niềm tự hào của nhân dân Nga và các dân tộc đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Ý niệm về Kế hoạch hóa nền kinh tế Nga và Chương trình điện khí hóa toàn Nga đã khơi nguồn từ Lênin vào năm 1897 khi Người và các đồng chí của mình bị Nga Hoàng bắt và đưa đi đày ở Siberia. Trong số những người bị đày ngày ấy, có nhà năng lượng học nổi tiếng sau này, là Gleb Krzizanovsky (1872 – 1959), dòng dõi trí thức kỹ thuật, có cha là nhà toán vật lý ở Kadan vì chống đối chế độ Nga Hoàng nên bị bắt và chết trẻ khi con trai mới lên bốn tuổi. Người vợ tảo tần nuôi con, giáo dục nó đi theo con đường của cha. Mười bảy tuổi, Gleb lên Saint Peterbourg, thi đỗ vào Học viện Đa khoa Nga, nơi đào tạo nhiều nhà bác học ưu tú Nga. Ở đây Gleb nhập vào nhóm lực lượng trí thức và sinh viên cánh tả chống Nga Hoàng. Số phận nhiều người này là bị thủ tiêu và bị đày đi Siberia. Mấy năm sau Gleb cũng bị đày đi Siberia cùng với Lênin. Thời kỳ này cả hai đều ở độ tuổi thanh niên, trở thành những người bạn tâm giao.
Trong một lần hai người bạn, Lênin và Gleb Krzizanovsky đi dạo trên bờ sông Enisei mùa đông băng giá năm 1897. Bỗng Lênin dừng lại nói với Gleb, giọng xúc động: “Cậu còn nhớ Tchekov viết rằng, con sông Volga giống như một giai nhân khiêm nhường, buồn thảm, còn sông Enisei là chàng dũng sĩ hùng dũng không biết dùng sức mạnh và tuổi trẻ của mình vào đâu! Cậu hãy lắng nghe dưới tầng băng tuyết này, dòng sông không khuất phục vẫn sục sôi chảy mạnh”. Và Lênin nói tiếp ước mơ của mình “Cái sức mạnh vô bờ này sẽ được sử dụng, người ta sẽ biến sức mạnh ấy thành lực chuyển động, thành ánh sáng, thành năng lượng. Cùng với thời gian một cuộc sống tràn đầy trí tuệ, dũng mãnh sẽ rực chiếu đôi bờ con sông này!”.
Cái ý tưởng của Lênin ngày ấy đã nung nấu ý chí nhà khoa học cách mạng Gleb thực hiện một kế hoạch ngoạn mục là điện khí hóa nước Nga rộng lớn 1/6 địa cầu từ những năm tháng nghèo đói, tan tác trong chiến đấu thù trong giặc ngoài.

Gleb Krzizanovsky (1872 - 1959)
Sau cuộc cách mạng Nga tháng 2 năm 1905 thất bại, Gleb làm một nhân viên ngành năng lượng của chế độ Nga Hoàng, anh tham gia xây dựng nhà máy điện ở huyện, chạy bằng than “sau đó ta sẽ xây dựng những nhà máy thủy điện trên sông Volga và trên những con sông ở Siberia”, nhưng ý tưởng này không được chế độ Nga Hoàng ủng hộ, Gleb trở thành người cung ứng than, là nguồn năng lượng cổ điển ngay ở huyện, ở khu. Cái công việc tìm than ấy đã giúp người chiến sĩ cách mạng dân chủ hiểu rõ hơn cuộc sống cơ khổ của nhân dân, hiểu rõ hơn hai cực: giàu nghèo - sang hèn của xã hội đương thời. Nhà khoa học năng lượng nước Nga ấy đã trưởng thành từ những công trình nhà máy điện ở cơ sở, những nhà máy đèn cấp huyện. Nhà khoa học trong lúc ấy còn có một nhiệm vụ cấp bách hơn là cung cấp vũ khí cho cuộc khởi nghĩa vũ trang năm 1917 ở Saint. Peterbourg cho các đội quân công nông.
Năm 1920, khi nước Nga Xô Viết đang trong vòng vây của các nước đế quốc tư bản thế giới, khi cả nước đã tan hoang trong nội chiến và cũng năm ấy Gleb đã gửi cho Lênin dự án “Những nhiệm vụ cơ bản điện khí hóa toàn Nga”. Trong thư trả lời, phấn khởi Lênin viết: “Chừng mười năm nữa chúng ta xây dựng 20 đến 30 nhà máy phát điện trong một vùng bán kính 400 dặm, chạy bằng than, nước, than đá, dầu mỏ... Sau 10 năm ta làm cho nước Nga điện khí hóa hoàn toàn”. Những dòng chữ của Lênin đã hiện lên ý tưởng cơ bản của kế hoạch điện khí hóa nước Nga.
Chính quyền Xô Viết dưới sự lãnh đạo của Lênin đã thành lập Ủy ban Quốc gia Điện khí hóa toàn Nga (GOELRO), Gleb Krzizanovsky được đề cử làm Chủ tịch ủy ban quan trọng này. Với sức hấp dẫn của một trí thức cách mạng đầy lòng nhân ái ông đã tập hợp về bộ máy ủy ban 200 nhà khoa học ưu tú của nước Nga. Tập thể sáng tạo ấy đã làm rạng rỡ nước Nga bằng những công trình điện khí và năng lượng theo phương hướng của Lênin. Từ một nhà khoa học cấp huyện, Gleb Krzizanovsky đã trở thành Viện sĩ và Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học nước Nga.
Gleb còn là một nhạc sĩ sáng tác nhiều bản xô-nát còn lưu lại ngày nay như Versanca, Bạo chúa: hãy nổi điên lên và một số ca khúc khác ca ngợi cách mạng thăng hoa, cuộc sống mới của nhân dân Nga… Ông mất năm 1959 trong hào quang của khoa học và kỹ thuật nước Nga vĩ đại.
Mai Thúc Luân