Sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng, không thể đứng ngoài thế giới. Chúng ta là một phần của thế giới ngày càng mở hơn. Đối với giáo dục, đặc biệt GDĐH thì yêu cầu hội nhập càng bức xúc. Tuy nhiên, càng hội nhập sâu, rộng hơn thì những thách thức mà GDĐH Việt Nam phải đối mặt càng lớn trên nhiều bình diện: đường lối, chính sách, cơ chế quản lý, quản trị đại học, nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn tài chính và con người... Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế là vấn đề đặt ra tại hội thảo giáo dục 2018 mới đây do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức. Thông tin từ hội thảo cho thấy, còn khá nhiều việc phải giải quyết để đưa GDĐH Việt Nam hội nhập sâu hơn với thế giới.
Chất lượng và hiệu quả GDĐH đang được đặt ra cấp bách. Nhiều ý kiến cho rằng tự chủ đại học là chìa khóa cứu cánh cho GDĐH Việt Nam nhưng theo ý kiến của một số chuyên gia thì tự chủ chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ. Thực tiễn cho thấy, trong mấy năm qua, mức độ tự chủ được gia tăng nhiều cho các trường đại học công lập, nhưng chưa phải trường nào cũng đã sử dụng hết quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của mình. Minh chứng rõ nhất là các trường đại học ngoài công lập mức độ tự chủ cao hơn rất nhiều so với trường công lập, nhưng cũng chỉ có một số trường lớn mạnh từng ngày qua năm tháng, còn không ít trường rất chật vật để tồn tại. Vậy nguyên do chính là từ đâu?
Trong bối cảnh hội nhập và điều kiện nguồn lực xã hội còn hạn chế, hầu hết các trường đại học vốn cạnh tranh không bình đẳng nên rất khó hợp tác với nhau để phát huy sức mạnh tổng hợp, lợi thế của mỗi trường. Xã hội phát triển trong nền kinh tế chia sẻ, không một quốc gia nào đứng một mình có thể phát triển bền vững được. Trong khi chúng ta đang kêu gọi sự hợp tác giúp đỡ từ các chuyên gia bên ngoài thì chúng ta lại chưa có đường lối liên minh các trường đại học ở trong nước để tạo ra sức mạnh, sẵn sàng đáp ứng với đòi hỏi từ nền kinh tế, xã hội vốn mang các yếu tố tích hợp liên ngành. Đôi khi chúng ta làm ngược với logic của thế giới về huy động nhân tài cho các trường đại học. Đơn cử, việc mở ngành đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đòi hỏi phải đảm bảo tỷ lệ giảng viên cơ hữu là rất trái logic về quản lý nguồn nhân lực và vẫn nặng tư duy coi trọng đầu vào hơn là đầu ra. Khoa học công nghệ vốn mang bản chất liên ngành, mà một trường đại học đôi khi không thể “tự túc tự cấp” được, đòi hỏi phải khai thác chuyên gia từ đại học khác ở trong nước và trên thế giới. Tư duy giảng viên cơ hữu đã bóp nghẹt ý muốn sáng tạo đổi mới trong giảng dạy và nghiên cứu.
Trong lý thuyết quản lý hiện đại rất cần phải tạo ra các mạng lưới hợp tác giữa các trường đại học để phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống. Bài học phát huy sức mạnh tổng hợp trong các cuộc kháng chiến của đất nước là minh chứng rõ nhất về sự hợp tác, cộng hưởng các sức mạnh. Vì thế, để hội nhập với thế giới, trước hết các trường đại học của Việt Nam nên hội nhập với nhau để có sức mạnh và tiếng nói chung. Mặt khác, sức mạnh của hệ thống GDĐH Việt Nam cũng không thể trông chờ vào nguồn lực nhà nước nhiều hơn mà vào nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, nhiều năm qua, sự ứng xử chưa thật bình đẳng giữa trường công và trường tư, cũng như chính sách phát triển trường tư chưa thật rõ ràng đã cản trở sự trưởng thành của các trường đại học ngoài công lập. Những lợi thế tự nhiên của đại học công lập như: có danh tiếng từ lâu, được Nhà nước đầu tư lớn về cơ sở vật chất, con người, lại có những vị trí địa lý kinh tế thuận lợi, học phí thấp... nên đã tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa trường công và trường tư về tuyển sinh, nghiên cứu khoa học. Nguyên nhân này cũng làm cho GDĐH Việt Nam khó lớn lên được. Ngay trong mô hình đại học quốc gia hay đại học vùng, chúng ta cũng quên đi phát huy thế mạnh của từng trường thành viên cùng hợp tác, chia sẻ để cùng sáng tạo ra tri thức mới mà vẫn để các trường “độc lập, tự chủ”, thiếu sự điều phối nên vừa qua đã có ý kiến đề nghị xóa bỏ đại học vùng.
Việc tăng cường sự tự chủ GDĐH là công việc phải làm, khi ấy, Bộ GD-ĐT sẽ làm gì nếu không phải là cơ quan chú ý nhiều hơn đến thiết kế chính sách, điều phối nguồn lực, cung cấp thông tin định hướng và thanh tra, giám sát chất lượng, đảm bảo các trường phải chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội. Sức mạnh của một hệ thống GDĐH phải là phép cộng véctơ đồng phương và cùng chiều sức mạnh của các trường đại học của một quốc gia, hình thành một liên minh mạnh mẽ với văn hóa hợp tác cùng chia sẻ. GDĐH nếu làm được như vậy sẽ cùng lớn lên mà không ngại sự cạnh tranh từ bên ngoài.