Liên kết xuất bản : Quy chế thôi vẫn không đủ

Liên kết xuất bản : Quy chế thôi vẫn không đủ

Tổng kết công tác xuất bản trong năm 2007, Cục Xuất bản thừa nhận rằng trong tổng số 55 NXB trên cả nước thì số tự làm sách rất nhỏ nhoi! Hơn 90% các NXB đều sống dựa vào việc liên kết với các đơn vị tư nhân.

Trách nhiệm của tư nhân: Có muốn cũng không được

Khẳng định kết luận này của Cục Xuất bản, ông Đinh Quang Thọ, Giám đốc NXB Khoa học Xã hội, nói rõ thêm: “Không chỉ nắm hết các khâu làm sách, các đối tác tư nhân hiện nay còn nắm luôn cả bản quyền tác phẩm”. Điều này giải thích tại sao các NXB phải o bế đối tác thay vì ngược lại.

Hiện nay, với bản quyền trong tay, các đơn vị kinh doanh văn hóa phẩm có thể toàn quyền chọn lựa NXB để xuất bản sách của mình, nơi nào khó thì họ bỏ, chọn những NXB thoải mái hơn để liên kết. Trong tình hình sách liên kết đóng một thị phần lớn, nguồn vốn hoạt động của nhiều NXB phải trông chờ vào việc liên kết thì không có gì khó hiểu khi NXB phải chiều lòng đối tác của mình nhằm giữ được “nồi cơm”.

Liên kết xuất bản : Quy chế thôi vẫn không đủ ảnh 1

Nhờ có liên kết, những đầu sách hay của thế giới nhanh chóng đến tay bạn đọc. Ảnh: T.V.

Trong bối cảnh việc làm sách, kinh doanh sách đang phát triển mạnh theo hướng chuyên nghiệp hóa như hiện nay, nhu cầu khẳng định thương hiệu của các nhà làm sách ngày càng trở thành vấn đề bức xúc.

Tiêu biểu như nhắc đến các tác phẩm văn học dịch như Rừng Na Uy của Haruki Muarakami hay Tuyết của Orhan Pamuk luôn gắn liền với Công ty Văn hóa Nhã Nam hay các tác phẩm mới nhất của Mạc Ngôn, truyện kiếm hiệp Kim Dung, Cổ Long gắn liền với cái tên Phương Nam.

Các đơn vị này khi liên kết xuất bản luôn muốn logo của mình nằm ở bìa 1 của sách, ngang với logo của NXB như hiện nay. Theo đại diện một công ty kinh doanh sách thì việc làm này giúp cho độc giả dễ dàng khi chọn sách vì thương hiệu sẽ gắn liền với uy tín của đơn vị từ đó sẽ đảm bảo cho chất lượng của sách.

Ông Lê Nguyên Đại, Giám đốc Công ty Văn hóa Thời Đại, bổ sung thêm: “Khi ký hợp đồng với đối tác nước ngoài mua bản quyền sách, chúng tôi sẽ không thể biết sẽ liên kết với NXB nào để xuất bản nên không thể báo cho phía đối tác biết. Sau đó, khi sách ra, đối tác không thấy tên, logo đơn vị mua sách thì sẽ hiểu nhầm là chúng tôi làm trung gian, mua bản quyền để bán lại. Điều đó sẽ gây nhiều khó khăn cho việc thương lượng sau này”.

Thế nhưng, Điều 26 Luật Xuất bản lại không cho phép logo của đối tác liên kết được cùng đứng chung với NXB tại trang bìa một mà phải nằm ở trang bìa 4 cuối sách. Một điều khá nghịch lý là các đơn vị làm ăn chân chính, luôn muốn được chung vai gánh vác trách nhiệm với các NXB trong việc làm ra một cuốn sách lại không thể được. Trong khi đó, những đầu nậu sách, làm sách theo kiểu chụp giựt lại có thể dễ dàng ẩn thân, đổ vấy trách nhiệm lên đầu NXB khi xảy ra sự cố.

Công bằng trong liên kết

Tất nhiên, việc NXB phải chịu trách nhiệm chính là đúng đắn trong vấn đề quản lý xuất bản hiện nay. Chính vì thế, dự thảo lần thứ 10 về Quy chế Liên kết xuất bản đã phải đề cao tuyệt đối quyền tự chủ của giám đốc nhà xuất bản trong quá trình liên kết xuất bản, một điều mà Luật Xuất bản đã nhắc đến. Chỉ giám đốc NXB mới có quyền ký duyệt bản thảo, ký quyết định xuất bản, ký duyệt hợp đồng in ấn và ký duyệt phát hành. Tất cả nhằm buộc lãnh đạo NXB phải có hành động mạnh mẽ nhằm đảm bảo định hướng xuất bản, tránh việc bị đối tác lợi dụng trong liên kết xuất bản.

Thế nhưng, như đã nói ở trên, với nhiều NXB việc không liên kết sẽ dẫn đến không có việc làm, trả lương cho cán bộ công nhân viên… Do đó, nhiều NXB buộc phải liều “nhắm mắt đưa chân” dẫn đến hậu quả là sách xuất bản phạm luật bị phạt, thu hồi như một số trường hợp trong năm qua. Theo Luật Xuất bản, trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc chủ yếu về NXB.

Đa số các NXB tham dự hội thảo góp ý cho Quy chế đều cho rằng vấn đề của việc liên kết xuất bản hiện nay là chưa thể hiện được tính công bằng. Theo đại diện nhà sách Hoa Hồng, việc đảm bảo công bằng giữa NXB và đối tác liên kết không chỉ dựa vào logo bìa một mà còn rất nhiều vấn đề khác như việc ủy quyền in ấn, thông tin trên gáy sách…

Ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Fahasa thì nhắc đến việc nhiều NXB nước ngoài đang chủ trương liên kết với NXB trong nước để làm sách chứ không đơn thuần bán bản quyền. Điều này làm nảy sinh vấn đề NXB nước ngoài cũng có nhu cầu đứng ngang hàng với NXB trong nước để khẳng định vai trò của họ.

Thực tế đã chứng minh, liên kết xuất bản đang trở thành một xu hướng chính trong xuất bản sách tại Việt Nam. Thế nhưng, thực tế thì Luật Xuất bản lại chưa đáp ứng tốt các vấn đề nảy sinh từ liên kết xuất bản hiện nay. Theo nhiều NXB, công ty văn hóa tham dự hội thảo thì bản thân quy chế dù rất cần thiết nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của liên kết xuất bản hiện nay nhất là đảm bảo tính công bằng trong quyền lợi và trách nhiệm của các bên.

Yêu cầu có sự thay đổi về luật nhằm đáp ứng sự phát triển của ngành xuất bản đang trở thành yêu cầu bức thiết nhất hiện nay. Như một đại diện của NXB khu vực miền Trung đã nói trong hội thảo: “Quy chế thôi vẫn không đủ”. 

TÂN TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục