Nếu nhìn theo lăng kính đó, thì sự kiện thủ môn Đặng Văn Lâm được CLB Cerezo Osaka tuyển mộ để chơi bóng tại giải bóng đá lớn nhất Nhật Bản J-League 1 là một cột mốc lịch sử. Đã từng có Lê Công Vinh thi đấu ở giải vô địch Bồ Đào Nha, hay Công Phượng ở Bỉ, Văn Hậu tại Hà Lan... nhưng đó đều là những bản hợp đồng mang tính chất thăm dò, mượn trước để thử nghiệm và sau đó đều từ chối mua. Ít hay nhiều, đằng sau các hợp đồng dạng này thường có bóng dáng của truyền thông, PR chứ không đơn thuần chuyên môn. Mặc dù Đặng Văn Lâm có thể không được ra sân do Cerezo Osaka mua anh để làm thủ môn số 3, tương lai chưa có gì đáng nói, nhưng tính chất lịch sử của bản hợp đồng này nằm ở lộ trình mà thủ thành mang 2 dòng máu Việt - Nga này đã trải qua.
Đặng Văn Lâm sinh ra trong một gia đình mang dòng máu nghệ thuật, nhưng lại chọn con đường thể thao từ bé. Anh được đào tạo tại CLB lừng danh nước Nga là Spartak Moscow, về Việt Nam theo tiếng gọi của con tim và tự đi tìm việc làm. Đặng Văn Lâm trải qua những ngày tháng thất vọng ở HA.GL, phải sang Lào thi đấu ở một trình độ thấp hơn, rồi về nước thi đấu cho Hải Phòng. Đỉnh điểm của sự kiên trì ấy là “tâm thư” mà anh viết trên trang cá nhân, mong được các HLV của đội tuyển U23 Việt Nam cho một cơ hội khoác lên mình màu áo đỏ. Tỏa sáng dưới thời HLV Park Hang-seo, thủ môn này chọn Thái Lan (Thai-League) làm nơi hành nghề và đó chính là nền tảng quan trọng để anh được các CLB hàng đầu Nhật Bản chú ý bởi nguồn cầu thủ đến từ Thái Lan đang được J-League ưa chuộng. Đặng Văn Lâm có thành công ở Nhật Bản hay không thì chưa biết, nhưng anh đang đi đúng lộ trình để tìm cơ hội trở thành một cầu thủ đẳng cấp châu Á và có thể, nhờ may mắn, anh sẽ được sang châu Âu chơi bóng theo một hợp đồng chuyển nhượng chính thức, như rất nhiều tài năng châu Á khác đã từng xuất phát từ các giải đấu Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thành công mà Đặng Văn Lâm đã và sẽ có, vì thế, không hoàn toàn bất ngờ. Đó là kết quả của một chuỗi mối quan hệ không thể tách rời, từ nơi đào tạo, đến định hướng đúng đắn của cá nhân để dẫn lối cho đam mê và kiên trì, cuối cùng đó là những bước đi hợp lý về nghề nghiệp mà yếu tố chuyên môn là giá trị cốt lõi. Quan sát lộ trình của Đặng Văn Lâm, chúng ta không thấy sự may mắn. Tất cả đều cần đến nỗ lực và khao khát được chứng tỏ giá trị của mình. Vị trí thi đấu của Đặng Văn Lâm là cực kỳ khó cạnh tranh, nghĩa là cơ hội của anh vô cùng nhỏ nếu so với nhiều cầu thủ Việt Nam khác khi ra nước ngoài thi đấu. Anh làm được, thì người khác cũng có thể làm được, miễn là đừng quá ỷ lại vào tài năng mà cần phải có một lộ trình đúng. Khi ấy, cơ hội dù nhỏ thì vẫn đủ cho nhiều người.
Ở một góc độ rộng hơn, bóng đá nói riêng và cả nền thể thao Việt Nam cần mổ xẻ thành công của Đặng Văn Lâm một cách nghiêm túc để xây dựng lộ trình cho các tài năng. Chúng ta từng có bài học của Ánh Viên, dù đầy thiên bẩm nhưng cũng phải sang Mỹ để tập luyện thì mới cải thiện các thông số. Hay như một số kỳ thủ cờ vua phải có thời gian sống, học tập ở Hungary thì mới đạt đến đẳng cấp thế giới. Nói cách khác, vấn đề lớn nhất để phát triển tài năng là khả năng kết hợp một loạt yếu tố từ thấp đến cao một cách hài hòa và đặc biệt là cần có sự hy sinh lớn. Đơn cử như các “lò” đào tạo bóng đá cần có sự tiếp sức từ những CLB chuyên nghiệp trong việc trao cơ hội thi đấu cho cầu thủ trẻ, cũng đồng nghĩa với việc hy sinh thành tích trước mắt, nghĩ đến chuyện lâu dài của nền bóng đá. Những nhà đầu tư vào lĩnh vực thể thao cũng cần nhìn việc tài trợ của mình dưới góc độ xã hội, cộng đồng thì mới chia sẻ được gánh nặng với cơ quan chuyên môn hay nhà quản lý, tổ chức.
Nói cho cùng, thành công của Đặng Văn Lâm cũng mang trong đó tình yêu với Tổ quốc, có niềm tin, sự ủng hộ, tôn trọng quyết định cá nhân của anh từ gia đình trên quê hương Việt Nam và một bệ phóng từ những chiến công vang dội của đội tuyển Việt Nam.