
Hội nghị thượng đỉnh G–8 năm nay có 2 chủ đề chính: Đối phó với “hiệu ứng nhà kính” toàn cầu và xóa nợ, tăng viện trợ cho các nước nghèo.
Vấn đề thứ nhất đã tiếp tục bế tắc như mọi năm, do Mỹ không chịu tuân thủ Nghị định thư Kyoto. Vấn đề thứ hai đạt được thỏa thuận như các Bộ trưởng Tài chính G–8 đã bàn luận hồi giữa tháng 6.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu đã tỏ ý nghi ngờ thiện chí thực sự của G–8. Nhiều người chỉ trích mặt trái của việc xóa nợ cho 18 quốc gia nghèo nhất châu Phi (cũng là nghèo nhất thế giới) là đã làm “ thần thoại hóa thảm họa”, bởi tính chất lợi bất cập hại của nó.

Theo các tiêu chí G–8 đưa ra, để được xóa nợ, 18 nước phải thực hiện đúng khuôn mẫu cải cách tự do kiểu mới đối với kinh tế, điều chỉnh cơ cấu vốn, tăng chi phí cho y tế và giáo dục, tăng mạnh thuế trị giá gia tăng (VAT), xóa bỏ trợ cấp đối với các sản phẩm cơ bản, đẩy mạnh tư nhân hóa, tự do hóa đối với nền kinh tế.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, có những điều (về y tế, giáo dục) là cần, nhưng quá nặng đối với ngân sách các quốc gia nghèo. Có những điều mà một khi thực hiện, sẽ đẩy các nhà doanh nghiệp địa phương vào thế khó khi cạnh tranh với các công ty đa quốc gia.
Nhiều người còn nhớ “sự kiện lịch sử” hồi tháng 6–1999. Lúc đó các nước giàu (khi đó là G–7) tuyên bố xóa nợ 100 tỷ USD để đẩy lùi nghèo khó. Tuy nhiên “ sự kiện lịch sử” hóa ra chỉ là “thùng rỗng kêu to”, vì cho đến tận cuối năm 2004 vẫn chẳng thấy tăm hơi 100 tỷ USD đó đâu cả. Chỉ thấy năm 1999, số tiền nợ của 18 nước nghèo là 68 tỷ USD, thì đến năm 2003 số tiền nợ lên đến 73 tỷ USD.
Câu chuyện gần đây nhất: Thảm họa sóng thần. Lúc đó, hàng loạt hứa hẹn hào phóng được tung ra. Cho tới giờ này, số tiền chi ra vẫn chỉ là nhỏ giọt, đã rất ít so với lời hứa, lại còn bị xẻ ngang cắt dọc. Thêm vào đó, quyết định gia hạn nợ cho Indonesia và Sri Lanka chỉ khiến hai nước phải trả nợ nhiều hơn.
Tổng thư ký LHQ Kofi Annan là người châu Phi, từng trải nghiệm một số trợ giúp chỉ nhằm tái thực dân hóa, khi hoan nghênh thiện chí trợ cấp của G- 8 đối với các nước nghèo, đã đồng thời bày tỏ sự thất vọng vì G–8 đã chỉ hứa chung chung, mà không đưa ra thời gian biểu cụ thể về việc chấm dứt trợ cấp xuất khẩu, làm hàng hóa các nước nghèo không thể bán được ở thị trường Âu, Mỹ. Hiện giờ trợ cấp nông sản của EU là 133 tỷ USD/năm và Mỹ chi 47 tỷ USD/năm.
Đã nhiều năm, những lời hứa hẹn của G–8 không đem lại hiệu quả thiết thực. Dư luận đã có lúc cho rằng những lời hứa to tát đó chỉ nhằm phô trương, quảng bá. Hy vọng, kỳ này G–8 sẽ thực hiện đủ, đúng thực chất những điều cam kết, để thực sự góp phần đẩy lùi nạn đói nghèo trên toàn thế giới.
TRƯỜNG SƠN