Theo từ điển tiếng Việt, đại biểu nghĩa là đại diện tiêu biểu cho một tập thể. Người đại biểu là người tiêu biểu đại diện cho tập thể ấy. Trên cơ sở đó, người đại biểu quốc hội hay đại biểu hội đồng nhân dân (sau đây gọi tắt là người đại biểu) trong một quốc gia, là người tiêu biểu cho tập thể nhân dân được nhân dân ở quốc gia đó chọn lựa để thay mặt họ làm, giải quyết những công việc gắn liền với lợi ích, với cuộc sống của họ (thường là có liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan công quyền). Điều đó có nghĩa, người đại biểu dứt khoát phải hội đủ những điều kiện cần và đủ mới có thể thay mặt xứng đáng cho sự tin cậy và lòng yêu mến của nhân dân.
Vậy điều kiện đó là gì? Có thể nói ngay rằng: bản thân cụm từ đại biểu nhân dân đã thể hiện đầy đủ ý nghĩa, điều kiện đó. Trước hết, điều kiện tiên quyết, để làm được người đại biểu nhân dân, bản thân anh phải là người có TÂM - lòng nhân từ thiên tính của con người. Chỉ khi có tâm, có lòng yêu thương con người, rộng hơn là yêu thương quê hương đất nước thực sự, anh mới sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân cho người khác, cho quê hương đất nước. Nhưng có tâm không thôi, chưa đủ. Để lòng nhiệt huyết của anh, sự hy sinh của anh cho người khác, nhất là cho tập thể, mang lại hiệu quả, mang lại giá trị lớn lao, anh phải là người có TRÍ.
Trí ở đây là trí tuệ, là năng lực, trình độ, là sự sáng suốt để tìm ra những giải pháp tối ưu nhất cho các vấn đề. Bởi như Lênin từng nói, nếu nhiệt tình mà không có trí tuệ thì chỉ đem lại sự phá hoại mà thôi. Song, có tâm, có trí, vẫn chưa đủ. Cuộc sống, xã hội luôn phức tạp, đa dạng, nhiều biến chuyển, cản ngại. Để cái tâm, cái trí đó được phát huy, thực sự mang lại kết quả tốt nhất, người đại biểu phải cần thêm cái DŨNG. Bởi cho dù anh có giàu lòng thương người đến mấy, có tài giỏi đến mấy nhưng thiếu dũng khí đấu tranh thì mọi thứ cũng trở nên vô nghĩa. Lòng yêu thương con người, những giải pháp sáng suốt, tuyệt vời của anh sẽ bị chôn vùi bởi những cản ngại, sự hèn nhát. Và khi đó, kết quả là bao nhiêu kỳ vọng, sự trông đợi của những người mà anh đại diện chuyển thành thất vọng, làm xói mòn niềm tin.
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 diễn ra. Các địa phương trên cả nước đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị cho kỳ bầu cử được xem là ngày hội lớn của toàn dân. Những ngày này, các ứng cử viên đang tỏa về các địa phương theo từng đơn vị bầu cử đã phân bổ để gặp gỡ, tiếp xúc, trình bày chương trình hành động trước cử tri. Đây được xem là những buổi ra mắt để các ứng cử viên thể hiện TÂM – TRÍ – DŨNG của mình thông qua “thuyết pháp”.
Trên thực tế, qua các buổi tiếp xúc, trình bày chương trình hành động trước cử tri đã diễn ra, các ứng cử viên nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp cũng như kỳ vọng. Nhiều ứng cử viên thể hiện rất mạnh mẽ, trí tuệ, tâm huyết với dân với nước qua chương trình hành động của mình nếu trúng cử. Và rút kinh nghiệm từ các khóa Quốc hội và HĐND trước đây, nhiều cử tri đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm, thái độ về cái TÂM – TRÍ – DŨNG của các đại biểu, mà trong đó không ít đại biểu không đi đôi giữa nói và làm, giữa chương trình hành động và thực tiễn sau khi trúng cử.
Dù thế nào thì rồi đây, mỗi cử tri, tùy theo quan điểm, nhận thức và thông tin nắm được về các ứng cử viên để quyết định sẽ bầu ai làm đại diện trong lá phiếu của mình. Cũng vì thế, sự lựa chọn của cử tri có thể đúng, có thể sai. Mong rằng, mọi người dân sẽ thật sáng suốt để nhìn nhận và chọn ra những người có phẩm chất tốt nhất trong các ứng cử viên làm đại biểu. Nhưng cũng mong mỏi, niềm mong mỏi chắc chắn hiện diện trong tất cả cử tri: trước hết, các ứng cử viên, với lòng tự trọng của một người sẵn sàng đón nhận trách nhiệm nặng nề với dân với nước, hãy dũng cảm dùng quyền cử tri của bản thân để làm một cuộc bỏ phiếu cho chính mình trước khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra.
Phạm Phương Đông