Lỗi không tại cái loa

Câu chuyện cái loa kéo karaoke di động mấy hôm nay “nóng” tại nhiều diễn đàn sau khi Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Tô Thị Bích Châu đề nghị UBND TPHCM đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào hương ước, quy ước của khu phố, ấp và nhắc nhở người dân tự giác thực hiện. “Hát karaoke di động không còn là loại hình giải trí đơn thuần mà đã và đang trở thành vấn nạn, gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân”, bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.

Cái loa kéo karaoke di động làm phiền đời sống người dân thì ai cũng tỏ. Nói không ngoa khi ở thành phố này, từ phường, quận trung tâm cho đến xóm ấp vùng ven, ngoại thành tít tắp, cái loa kéo có sức sống dai dẳng, khủng khiếp. Từ đám tiệc, hội hè cho đến chuyện “buồn buồn kéo loa ra hát”, hầu như chỗ nào cũng có. Không chỉ trong xóm, khu phố mà ngay cả ở những chung cư, khu căn hộ thì loa kéo vẫn… sống tốt và gây tổn hại nhất định từ sức khỏe, tâm trí người “thụ hưởng” đến tình cảm xóm giềng. Và cũng hầu như rất ít những vụ xử phạt hành chính hộ dân, hội hè hát hò, bất kể thời gian, bất kể tiếng ồn; có chăng chỉ là lời nhắc nhở của khu phố, của phường xã. Mà nhắc nhở thì như gió thoảng mây bay, hôm nay nghỉ xả hơi, mai mốt kéo loa ra hát tiếp, bất chấp!

Con số 46 trường hợp vi phạm tiếng ồn tại TPHCM đã bị xử phạt hành chính từ 100.000-300.000 đồng trong 6 tháng đầu năm 2020 (thông tin từ Sở TN-MT TP) khiến không ít người… băn khoăn. Như vậy, mỗi tháng trung bình có khoảng 8 vụ xử phạt vi phạm tiếng ồn tại TPHCM. Con số đó nhỏ bé vô cùng trước những gì mà loa kéo karaoke di động gây ra trong đời sống đô thị, để đến mức được ví như một “vấn nạn”.

Theo quy định, hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu gây tiếng ồn từ 22 giờ đến 6 giờ sáng sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng (Nghị định 167/2013/NĐ-CP). Thực tế, việc xử lý các trường hợp này không dễ vì cơ quan chức năng phải trang bị máy đo tiếng ồn và quan trọng nhất là lực lượng chức năng, công an, chính quyền địa phương có quyết tâm thực hiện, xử lý hay không.        

Đại diện ngành văn hóa cho rằng, ngành mình là trưởng đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội, không có trách nhiệm đo và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; trách nhiệm xử phạt liên quan tới tiếng ồn là việc của Sở TN-MT. Còn đại diện Sở TN-MT lại nói để đo và xử tiếng ồn là “phức tạp, khó xử lý”. Vậy, ai và đến bao giờ “vấn nạn” này mới được xử lý, đem lại không gian sống văn minh, an toàn?

Ở các diễn đàn, nhiều ý kiến nói cái loa kéo không có tội mà tất cả là do ý thức của người sử dụng nó. Điều này thì đúng rồi, không ai buộc tội cái loa; thậm chí trong những ngày này, thị trường loa kéo karaoke còn “nóng” lên hẳn sau đề xuất của lãnh đạo UBMTTQ TPHCM tại kỳ họp HĐND TP. Thông tin từ báo chí cho thấy, sức mua mặt hàng này tăng vào thời điểm diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, cả TP bước vào giãn cách xã hội, ít ra đường, ở nhà nhiều hơn và tập trung… hát cũng nhiều hơn. Có người còn hồn nhiên: Tranh thủ hát trước khi bị cấm.

Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, bên cạnh ý thức của người sử dụng loa kéo còn kém thì rõ ràng việc các cơ quan chức năng tại TPHCM chưa có sự thống nhất và liên kết, thiếu trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm tiếng ồn là có. Ngoài ra, tại các địa phương, việc đeo bám các địa bàn dân cư của lực lượng chức năng có nơi còn lỏng lẻo. Nhiều người dân bức xúc chuyện hát hò sau 22 giờ nhưng không biết báo ai xử lý, hoặc báo xong thì chờ mút mùa cũng chẳng thấy lực lượng chức năng phường xã xuống nhắc nhở. Ở cấp thấp nhất - khu phố, ngay bản thân những người trong ban điều hành khu phố, tổ dân phố, cũng ngại ra mặt nhắc nhở chuyện gây ồn do hát hò, cho rằng chuyện chẳng đáng; hay nhắc nhở xong, vài ngày tái diễn, chán chẳng nhắc nữa. Và hậu quả về tiếng ồn, do “phức tạp, khó xử lý” nên người dân cứ phải chịu trận.

Xử lý vi phạm về tiếng ồn không thể chỉ dựa vào những bản cam kết trong hương ước, quy ước ở khu phố ấp mà còn cần phải kiểm soát và xử phạt rõ ràng mới mong chấm dứt vấn nạn này. Nếu chỉ dựa vào sự tự giác hay lời nhắc nhở thì không đủ mạnh để đem lại môi trường sống văn minh, bởi nếu thật sự có ý thức thì một bộ phận người dân sẽ tự giác chấp hành các quy định, chứ không coi thường như hiện nay. Vấn đề đặt ra là sự liên kết và quyết tâm của các cơ quan chức năng đến đâu để tạo nên một môi trường sống lành mạnh và an toàn.

Tin cùng chuyên mục