Lớp học giữa “đồi Gió Hú”

Vì chạy lở núi, 15 học sinh bản Sắt (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) được bộ đội biên phòng dựng lều bạt để học giữa “đồi Gió Hú”. Các em được cô giáo gieo chữ giữa mây trời gió lạnh, trong một lớp học đặc biệt giữa vùng đồi núi sau thiên tai lũ lụt.
15 học sinh được cô giáo gieo chữ giữa mây trời gió lạnh
15 học sinh được cô giáo gieo chữ giữa mây trời gió lạnh

Quyết không để các em bỏ học

Cô giáo Nguyễn Thị Yến (nhà ở bản Cổ Tràng, xã Trường Sơn) phụ trách 15 học sinh bản Sắt. Đây là điểm trường cách xa trung tâm xã, nằm trên núi cao. Đến thượng tuần tháng 11, khi đồng bằng lũ rút thì bản Sắt vẫn chìm trong lũ lớn và sạt lở núi. Lũ chỉ mới rút cách đây mấy ngày. Dù khó khăn, nhưng cô giáo Yến vẫn một lòng mang con chữ đến với con em đồng bào Vân Kiều. Trong lớp học được phủ tạm những tấm bạt, cô Yến bắt nhịp từng chữ cho các trò. Những mái đầu hồn nhiên giữa bốn bề gió lùa cùng nhau đánh vần từng con chữ, đọc từng con số để vượt lên nghịch cảnh.

Cô giáo Yến nói: “Khi chưa phải di dời vì sạt lở, tôi phụ trách 15 cháu ở 3 lớp trong một phòng học, từ lớp 1 đến lớp 3. Điểm trường cũ được kiên cố hóa, ở đó 3 bức tường được treo 3 cái bảng cho 3 lớp nên thuận tiện dạy ghép. Nay di dời vì núi Sắt nứt rất dài, sạt lở rất nhiều thì phải dựng bạt, nên chỉ có 1 cái bảng. Trên cái bảng ấy, tôi chia 3 phần dạy các cháu. Dạy lớp 1 đánh vần thì lớp 2 học câu, lớp 3 học cao hơn”. Cái khó là 3 lớp khác nhau, lứa tuổi không đồng đều nên dạy được lớp này thì lớp kia lại quay sang nói chuyện. Cô giáo phải tìm cách khắc phục là sắp các dãy bàn ghế sát nhau và cùng hướng về một phía để học trò chú tâm.

Ở bản Sắt, để học sinh không bỏ học buổi chiều khi về ăn trưa, cô Yến phải tự bỏ tiền lương gùi gạo cùng mắm muối, thức ăn vào nấu cho các em ăn ở trường. “Tôi tận dụng lương thực của gia đình. Nếu các em về nhà ăn trưa thì buổi chiều tự động bỏ học, rất mất thì giờ đi vận động, nên tôi chọn cách nấu ăn trưa cho các cháu nhằm không để mất chương trình, mất chữ. Ở đây, khi các cháu lên lớp 4 thì được ra điểm trường trung tâm hơn 8 cây số đường rừng đi bộ học nội trú, cuối tuần về thăm nhà”, cô giáo Yến nói.

Lội bùn tìm con chữ

Sâu trong xóm Đá Búa, bản Cây Sú có 5 học trò phải lội bùn non sau lũ rút để đến điểm trường trung tâm xã Trường Sơn. Đấy là 2 anh em Nguyễn Văn Lộc (học lớp 3A), Nguyễn Thị Mỹ Lệ (lớp 2A); 2 chị em Nguyễn Thị Quỳnh Như (lớp 2A), Nguyễn Văn Trí (lớp 1A) cùng em Nguyễn Văn Thương (lớp 2A). 5 học sinh này sau khi lũ thượng nguồn sông Long Đại rút, lớp bùn non có đoạn lên ngang bụng đã phải lội phù sa đến trường bên vách núi cheo leo. Tất cả đều nghe sự chỉ bảo của người anh Nguyễn Văn Lộc. phóng viên Báo SGGP đã theo các em về nhà trên con đường đầy phù sa, có đoạn bùn non nhão nhẹt. 

Em Nguyễn Văn Lộc kể: “Chúng con thích con chữ, thích thầy cô, muốn học để sau này không phải thất học, nên bùn ngang bụng cũng lội đi”. Cả 5 cô cậu học trò này quần áo mang trên người đều từ đồ cũ của các đoàn thiện nguyện tặng. Mỗi ngày, từ 5 giờ sáng đã í ới gọi nhau lội bùn đến trường hơn 1km. Chiều lại, lúc ánh nắng tắt dần, các em dắt bộ nhau vượt rừng về nhà.

Ấn tượng như một chú lính chì là Nguyễn Văn Trí, lớp 1A Trường Tiểu học Trường Sơn. Vừa xong bậc mầm non, Trí mê con chữ, từ đầu năm đến nay, chưa bỏ bữa nào. Trời mưa hay nắng Trí vẫn đều đặn cùng các anh chị đến trường. Theo dấu chân của Trí đi trên lớp phù sa sền sệt, thấy cậu bé ít nói cứ tung tăng nhí nhảnh, hỏi ngày mai có đi học nữa không, Trí nói có. Chị gái của Trí là Quỳnh Như bẽn lẽn: “Em cháu biết đánh vần. Thích gặp cô để học”. 

Cô giáo Từ Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Sơn, kể: “5 học sinh ở xóm Đá Búa rất ngoan và chăm. Trong đó, Lộc học rất trội, ý chí phấn đấu rất cao. Nhìn các em lội bộ đường rừng đến trường hàng ngày mà thương”. Bây giờ, lối đi từ nhà đến trường của các em giữa bãi phù sa đã thành lối mòn. Những ngày sau khi lũ rút, các em phải lội bùn ngập đến bụng nên Lộc và các em mỗi người bỏ thêm 1 cái quần đùi trong ba lô, khi đến trường, các em rửa sạch bùn, thay quần khô vào lớp; quần thấm bùn các cô giặt phơi phóng để chiều các em mang về.

Cô hiệu trưởng cho biết, trường có 306 học sinh, trong đó có 238 em người Vân Kiều, 68 em người Kinh, 34 cán bộ giáo viên phụ trách 8 điểm trường với những cái tên nghe rất lạ như: điểm trường Hôi Rấy, Nước Đắng, Ploang Rìn Rìn, Sắt, Cổ Tràng, Khe Cát, Trường Sơn. Sau mưa lũ, cô trò nơi đây đều vượt lên tất cả để cùng nhau dạy và học, vì một tương lai tốt đẹp đến với các em.

Hiện vẫn còn vô vàn khó khăn, nhưng cô hiệu trưởng nói, sau ngày 20-11 các thầy cô lại chở khoảng 20 cháu về dưới xuôi thi bơi lội. “Ở đây bà con khó khăn, nhưng các em vẫn tham gia thi học sinh giỏi, thể thao, bơi lội với miền xuôi. Nhiều năm nay, con em bà con Vân Kiều nơi đây học ngang ngửa với học sinh miền xuôi”.

Tin cùng chuyên mục