Trong nhiều năm qua, giá dầu tăng nhưng giá lương thực vẫn ổn định và không ai nghĩ rằng giá lương thực cũng tăng như bây giờ. Mối quan hệ giữa hai loại hàng hóa này trước đây được hiểu theo kiểu chi phí xăng dầu tăng dẫn đến phí vận chuyển tăng nên đẩy giá lương thực tăng (mặc dù tăng không đáng kể).
Tuy nhiên, giờ đây chúng còn có mối quan hệ tương quan khác và đang gây nên tình trạng khó xử cho nhiều nước. Hãng tin AFP ngày 16-5 dẫn lời các chuyên gia trên thế giới đã đặt thẳng vấn đề: thế giới phải chọn lựa giữa giá nhiên liệu cao hoặc giá lương thực cao khi nhìn nhận xu thế không thể đảo ngược rằng đất nông nghiệp sẽ tiếp tục được sử dụng để trồng cây chế tạo nhiên liệu sinh học như bắp, đậu nành và mía.
Nhiên liệu sinh học là một trong những yếu tố bị nhiều nước cho rằng đã đẩy giá lương thực lên cao, trong đó có giá gạo, bắp và lúa mì. Từ chỗ được ca ngợi hết lời như một cách bảo vệ môi trường, giảm chi phí, giờ đây nhiên liệu sinh học bị xem như “tội đồ” tại nhiều nước. Tại diễn đàn của LHQ gần đây, Bolivia và nhiều nước Nam Mỹ đã lên án chính sách khuếch trương nhiên liệu sinh học của Brazil đã đẩy hàng triệu người vào cảnh thiếu ăn.
Các chuyên gia tại một hội nghị về nhiên liệu sinh học ở Singapore khẳng định rằng các nước ngoài khối OPEC vẫn sản xuất một tỷ lệ nhất định nhiên liệu sinh học vì vậy đã đến lúc các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân phải quyết định để giá lương thực tăng cao hay giá nhiên liệu tăng cao. Theo ông Francisco Blanch, chiến lược gia của Ngân hàng Đầu tư Merrill Lynch, giá dầu sẽ tăng 15% nếu ngừng sản xuất nhiên liệu sinh học.
Theo ông, năm 2007, nhiên liệu sinh học chiếm 1/3 sản lượng dầu sản xuất ngoài khối OPEC và dự kiến sẽ tăng lên 2/3 trong năm nay. Tại Mỹ, chỉ tính lượng xăng dùng cho các loại xe, nếu không pha thêm ethanol (một loại nhiên liệu sinh học), giá xăng sẽ tăng thêm 25% và diesel sẽ tăng thêm 16%.
Do đó, Mỹ tiếp tục sản xuất nhiều ethanol với số lượng lớn trong những năm tới. Dự kiến, Mỹ sẽ dùng 23,7% tổng lượng bắp trồng trong nước để sản xuất ethanol. Con số này trong năm 2006-2007 là 20%. Tại Brazil, lượng mía sử dụng cho sản xuất ethanol dự kiến tăng từ 49% trong năm 2007 lên 55% trong năm nay.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhấn mạnh rằng dù sao đi nữa, nhiên liệu sinh học vẫn có mục đích tốt. Theo các chuyên gia, sự chọn lựa giữa thực phẩm và nhiên liệu sinh học sẽ không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao. Viễn cảnh một thế giới khát dầu dẫn đến khát lương thực không còn xa .
KHÁNH MINH