Luân chuyển cán bộ, ngăn ngừa tham nhũng

Mới đây, dự báo về tình hình tham nhũng trong thời gian tới, UBND TPHCM nhận định, công tác cán bộ, luân chuyển cán bộ nếu thiếu cảnh giác sẽ là môi trường thuận lợi phát sinh hành vi tiêu cực, trù dập cán bộ, mua chức, chạy chức, chạy quyền. 
Chuyển đổi vị trí công tác được xem là một giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa tham nhũng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chuyển đổi vị trí công tác được xem là một giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa tham nhũng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Liên quan đến việc này, ngày 1-9-2017, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Chỉ thị 15 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc chuyển đổi vị trí công tác với cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng. Sau hai năm triển khai, TPHCM đã ghi nhận được nhiều kết quả.

Chuyển đổi thường xuyên

Theo báo cáo, từ 1-8-2018 đến 31-7-2019, tại TPHCM có 13 cơ quan, đơn vị thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với 705 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức cho các chức danh tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội, kế toán, thủ quỹ, xây dựng, địa chính - nhà đất, y tế, thủ kho thuộc các ngành hải quan, thanh tra nhà nước, thanh tra xây dựng. Các cơ quan này gồm Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng, Cục Hải quan, Cục Thuế, Bảo hiểm TPHCM, Lực lượng Thanh niên xung phong, UBND các quận: 1, 6, Tân Bình, huyện Cần Giờ…

Tại quận 1, việc chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện thường xuyên và liên tục. Theo bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng Phòng Nội vụ quận 1, chỉ tính từ năm 2017 đến tháng 6-2019, quận đã chuyển đổi 126 trường hợp (chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác và chuyển đổi trong nội bộ đơn vị). Trong tháng 9-2019, quận chuyển đổi 22 trường hợp và dự kiến đến cuối năm 2019 tiếp tục chuyển đổi một số vị trí của cộng tác viên trật tự đô thị của quận và phường.

Tại quận Tân Bình, từng xảy ra trường hợp công chức Phòng Quản lý đô thị quận có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, vụ lợi trong quá trình thu nộp lệ phí cấp giấy phép xây dựng. Hiện nhân sự này đã bị cho thôi nhiệm vụ. Do đặc thù công tác quản lý đô thị dễ phát sinh tiêu cực, thời gian qua, UBND quận Tân Bình rất chú trọng đến việc chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định để góp phần ngăn ngừa tiêu cực. Đối với các trường hợp đều được phân loại, những người công tác từ 3 - 5 năm ở một vị trí thì căn cứ theo Nghị định 158 để luân chuyển, còn những người có dư luận “đồn tiếng” thì luân chuyển ngay. “Nhiều năm trước, năm nào đội ngũ cán bộ cũng bị kỷ luật liên tục. Nhưng đến thời điểm hiện tại tương đối ổn, từ đầu năm 2019 đến nay chưa có trường hợp nào bị kỷ luật”, ông Nguyễn Tùng Khương, Trưởng phòng Phòng Nội vụ quận Tân Bình, thông tin.

Tạo đồng thuận

Theo TS Phan Hải Hồ, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện Cán bộ TPHCM, luân chuyển cán bộ xuất phát từ mục đích ngăn ngừa việc công tác ở một vị trí quá lâu sẽ hình thành nên đường dây, chân rết. Đặc biệt là ở các vị trí dễ nảy sinh tiêu cực. Đây là chủ trương đúng, rất hữu hiệu mà các nước trên thế giới cũng đang làm. Tuy nhiên, TS Phan Hải Hồ lưu ý cách làm cần mềm dẻo, khoa học và có kiểm soát tốt, tránh việc lợi dụng chủ trương này để trù dập cán bộ, hoặc chạy chức chạy quyền. Trong việc này phải nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nếu công tác luân chuyển cán bộ không làm tốt, để cán bộ tâm tư, hoặc không luân chuyển để xảy ra tiêu cực thì không thể bỏ qua vai trò của người đứng đầu. “Muốn luân chuyển một người phải đúng quy định của pháp luật, đúng cả thực tiễn; đánh giá người đó có cần thiết luân chuyển hay không, có những việc phải có ý kiến của tập thể, chi bộ, đảng ủy”, TS Phan Hải Hồ đề nghị.

Trong thực tiễn, ông Nguyễn Tùng Khương cho biết, để công tác luân chuyển cán bộ nhận được sự đồng thuận, trước tiên cần làm việc với đơn vị, sau đó làm việc với cá nhân để trao đổi, giải thích một cách kỹ lưỡng. Trong khi đó, tại quận 1, kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác được UBND quận xây dựng ngay từ đầu năm và phổ biến công khai, minh bạch đến từng đơn vị. Quận giao trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị, UBND các phường triển khai sâu, rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức; nhất là những trường hợp thuộc diện chuyển đổi, nên nhận được sự đồng thuận cao.

Tương tự, tại quận 3, từ giai đoạn năm 2014-2017, quận đã chuyển đổi 31 vị trí công chức và cán bộ quản lý cấp phường. Từ 2017 đến nay cũng chuyển đổi 58 vị trí trong ngành giáo dục và một số vị trí cấp phường. Trưởng phòng Nội vụ quận 3 - bà Võ Thị Minh Tâm cho biết, quận lên kế hoạch luân chuyển và triển khai xuống từng đơn vị. Phòng Nội vụ quận cũng làm công tác tư tưởng sâu sát tới từng đơn vị và cá nhân thuộc diện chuyển đổi để kịp thời nắm bắt, giải đáp thỏa đáng các khúc mắc. Nhờ vậy, việc chuyển đổi cán bộ trên địa bàn quận được các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức ủng hộ, chấp hành.

Tin cùng chuyên mục