Luật Giáo dục 2005: Thực thi 2 năm đã phải sửa!

Luật Giáo dục 2005: Thực thi 2 năm đã phải sửa!

Sau 2 năm thực hiện Luật Giáo dục 2005, nhiều nội dung quy định cụ thể trong luật, từ mục tiêu đào tạo đến cơ cấu hệ thống, chương trình sách giáo khoa, học phí… đã nảy sinh những mâu thuẫn hoặc thiếu thực tế nên không triển khai được. Hội nghị sơ kết 2 năm Luật Giáo dục do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội ngày 16-4, cũng vừa nêu lên vài khía cạnh “bức xúc” từ thực tế…

Giáo dục nghề nghiệp: Phải quy về một mối

Luật Giáo dục 2005: Thực thi 2 năm đã phải sửa! ảnh 1

Học sinh lớp 9 Trường THCS Kim Đồng quận 5 TPHCM trong giờ học Anh văn. Ảnh: MAI HẢI

Có thể nói, công tác quản lý chồng chéo đối với giáo dục nghề nghiệp giữa 2 ngành GD-ĐT và LĐ-TBXH, là một trong những điểm bất cập nhất của Luật Giáo dục 2005. Mục 3, điều 36 (chương II) của luật có nêu: cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trường CĐ nghề, trường TC nghề, trung tâm dạy nghề, lớp dạy nghề.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Ngai phân tích, theo quy định này, từ năm 2006, hệ thống giáo dục có thêm hệ TC nghề tồn tại song song với hệ TCCN, bên cạnh hệ CĐ có thêm hệ CĐ nghề. Vậy 2 hệ đào tạo mới này khác nhau như thế nào với hệ TCCN và CĐ. Việc không hình dung được ranh giới, sự khác nhau giữa hệ TCCN và CĐ hiện nay với hệ TC nghề và CĐ nghề, cùng với 2 đầu mối quản lý nhà nước khác nhau là Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH, đã tạo nên sự “rối rắm” trong hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung và trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói riêng.

Ông Hoàng Ngọc Trí, Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội, còn chỉ ra một thực tế, hiện nay, kinh phí đầu tư cho các trường nghề thuộc Bộ GD-ĐT rất hạn hẹp vì ngân sách phải chia nhỏ cho các bậc học khác. So sánh một cách tương đối thì các trường dạy nghề thuộc Bộ GD-ĐT chỉ được đầu tư 1 phần trong khi các trường thuộc Bộ LĐTB-XH được 10 phần. Ông Lê Phước Long, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị, cũng đề xuất chuyển giao các trường dạy nghề thuộc Sở LĐTB-XH về Sở GD-ĐT quản lý.

Chuyển đổi bán công sang dân lập: “Giậm chân tại chỗ”

Theo Nghị định 75 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2005, các cơ sở giáo dục mầm non bán công phải chuyển thành dân lập và tư thục (trừ các trường ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được chuyển sang công lập); đối với giáo dục phổ thông, các cơ sở bán công, dân lập phải chuyển sang tư thục…

Tuy nhiên, trên thực tế, ông Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT), thừa nhận, việc thực hiện các quy định này còn rất nhiều vướng mắc, đặc biệt đối với giáo dục mầm non và phổ thông.Thậm chí, việc chuyển đổi ở các địa phương trong thời gian qua là chuyển các trường bán công thành trường công lập và theo ông Thanh, việc chuyển đổi này “đi ngược lại xu hướng xã hội hóa giáo dục và không thực hiện đúng quy định của luật”.

Nhưng, điều này lại được các địa phương nhìn nhận dưới một góc độ khác. Ông Lê Phước Long cho rằng, Quảng Trị là tỉnh nghèo, nếu chuyển các trường bán công sang tư thục thì số học sinh bỏ học sẽ tăng lên vì hầu hết học sinh đều không đủ tiền đóng học phí. Đặc biệt là trường mầm non ở các xã vùng ven thị xã, ven trung tâm huyện không được hưởng chế độ hỗ trợ của Chương trình 135.

Ông Nguyễn Văn Vui, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT), cũng cho rằng, các cơ sở giáo dục mầm non dân lập và bán công hiện nay ở các địa phương tuy tên gọi khác nhau nhưng thực chất vẫn là một loại hình cơ sở bán công do nhà nước và nhân dân cùng đầu tư, trong đó nhà nước vẫn giữ vai trò chính: cấp đất xây trường, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, trả lương…

Trong tình hình kinh tế ở nông thôn hiện nay, không có và cũng chưa thấy một tổ chức, cộng đồng dân cư tại thôn, bản, ấp, thị xã, cá nhân nào có đủ khả năng đứng ra thành lập trường mầm non dân lập theo đúng quy định của luật. Hiện nay trên phạm vi toàn quốc cũng chưa có địa phương nào chuyển đổi hoặc chuyển đổi thành công loại hình trường mầm non dân lập theo đúng nghĩa. Vì vậy, cần bỏ quy định loại hình trường mầm non dân lập cho phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, những bất cập liên quan đến chương trình, sách giáo khoa, hợp tác quốc tế về giáo dục, phân cấp quản lý tài chính, tổ chức cán bộ… cũng được kiến nghị sửa đổi trong thời gian tới. 

VIỆT LAN 

Tin cùng chuyên mục