Lực đẩy từ hợp tác xã kiểu mới

Liên kết trong sản xuất là xu hướng tất yếu của quá trình hội nhập. Từng hộ nông dân đơn lẻ không thể nào chống chịu nổi với những tác động ngày càng khó của thị trường. Lối ra cho xu thế này là hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác nông nghiệp đang được Chính phủ, các ngành các cấp nỗ lực vận động nông dân tham gia.

Liên kết trong sản xuất là xu hướng tất yếu của quá trình hội nhập. Từng hộ nông dân đơn lẻ không thể nào chống chịu nổi với những tác động ngày càng khó của thị trường. Lối ra cho xu thế này là hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác nông nghiệp đang được Chính phủ, các ngành các cấp nỗ lực vận động nông dân tham gia.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 10.000 HTX nông nghiệp. Tại ĐBSCL, vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm, hiện có khoảng 1.200 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Phần lớn các HTX nông nghiệp mới chỉ cung cấp được các dịch vụ đầu vào cơ bản cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, chỉ có 9% HTX cung cấp được dịch vụ đầu ra. Quy mô của tổ hợp tác, HTX còn nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý yếu. Đặc biệt, chất lượng, hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của các HTX, tổ hợp tác còn thấp, chỉ 10% làm ăn có hiệu quả, khoảng 60% - 70% HTX hoạt động cầm chừng, nhiều HTX vẫn chưa chuyển đổi theo quy định của Luật HTX 2012.

Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế, yếu kém của kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng đã được chỉ ra trong nhiều năm qua là do nhận thức về HTX của các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu chưa đầy đủ, chưa thống nhất, ý thức trách nhiệm còn thấp; ảnh hưởng tâm lý của HTX trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp còn nặng nề; năng lực của các HTX còn yếu chưa theo kịp với những biến động của thị trường; công tác quản lý nhà nước về HTX còn nhiều hạn chế, bộ máy phân tán hoạt động kém hiệu quả; khuôn khổ pháp luật, chính sách phát triển HTX chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập. Đây là nguyên nhân chính khiến nông dân chưa thật sự mặn mà với HTX.

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp hướng tới sản xuất quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực, sử dụng các giống chất lượng và năng suất cao, quy trình canh tác hiện đại gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm thì chủ thể quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp chính là các HTX. Quá trình này cũng đòi hỏi các HTX cần có một sự chuyển đổi mạnh mẽ từ nhận thức đến việc tìm ra một hướng đi mới. Trên cơ sở đó càng ngày càng củng cố vai trò và vị trí của mô hình HTX trong phát triển kinh tế bền vững.

Tại ĐBSCL, vùng đất có vai trò hàng đầu của cả nước về  sản xuất nông nghiệp và thủy sản, hàng ngày vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là: Quy mô sản xuất hàng hóa vẫn còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát cao, chưa có sự phối hợp, hướng dẫn chung về định hướng và quy hoạch vùng sản xuất cho từng loại sản phẩm; sản xuất nhiều khi không thích ứng nhu cầu thị trường nhưng chưa có giải pháp xử lý thích hợp;  chưa có quy trình hướng dẫn kỹ thuật chuẩn mực, thống nhất tạo ra chất lượng hàng hóa cao; chưa có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất; chính các đơn vị sản xuất trong nước cạnh tranh lẫn nhau làm suy giảm khả năng cạnh tranh đối với hàng hóa nhất là thị trường quốc tế. Do vậy, muốn phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả vùng ĐBSCL, một giải pháp đặc biệt quan trọng là phải tạo được sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm khắc phục nhiều tồn tại kéo dài sản xuất nông nghiệp như: thiếu vốn, thiếu quy trình tổ chức sản xuất; chưa có quy hoạch, phân vùng sản xuất hàng hóa... thông qua mô hình HTX kết hợp với sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước. Đây là giải pháp mang tính căn bản, lâu dài không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới.

Để khắc phục những điểm yếu này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH-ĐT kết hợp với Bộ NN-PTNT, BCĐ Tây Nam bộ triển khai đề án “Xây dựng thí điểm mô hình HTX, liên hiệp HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL”. Đề án nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, đúng bản chất các HTX, liên hiệp HTX tại vùng ĐBSCL, đặc biệt là HTX nông nghiệp; giúp hộ nông dân khắc phục cơ bản thua thiệt của nông dân trên thị trường, gia tăng lợi ích cho số đông nông dân thông qua liên kết hữu cơ trong chuỗi giá trị nông sản nhằm tăng cường sức mạnh tập thể của các thành viên, từ đó cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng lớn thành viên nông dân và dân cư địa phương. Theo đó, tập trung thí điểm hoàn thiện mô hình HTX, liên hiệp HTX với các thành viên là HTX thành viên và các hộ nông dân sản xuất 3 sản phẩm chính là lúa gạo, thủy sản và trái cây; thời gian triển khai thực hiện từ năm 2016 đến 2020. Cách thức thí điểm hoàn thiện mô hình là từng bước, gối đầu nhau, xuất phát trước hết từ thí điểm hoàn thiện mô hình HTX  lúa gạo, trái cây, thủy sản, sau đó đến mô hình liên hiệp HTX  lúa gạo, mô hình liên hiệp HTX  trái cây, mô hình liên hiệp HTX thủy sản.

Dự kiến sau khoảng 10 năm, nếu tích cực khuyến khích phát triển HTX thì có thể thu hút đại bộ phận nông dân vùng ĐBSCL tham gia vào HTX, liên hiệp HTX. Các tổ chức này sẽ từng bước thực hiện đầy đủ các dịch vụ đầu vào, dịch vụ đầu ra cho sản xuất của hộ nông dân, mang lại lợi ích ngày càng lớn hơn cho nông dân.

Cùng với việc Chính phủ đang quyết liệt triển khai đề án thí điểm liên kết vùng ĐBSCL, xây dựng nông thôn mới, việc triển khai đề án thí điểm mô hình HTX, liên hiệp HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL sẽ tạo ra diện mạo mới cho tam nông ĐBSCL, đưa ĐBSCL thật sự trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp quốc gia.


TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục