Lùng đá xanh tìm vận đỏ

Cơn sốt lùng tìm đá xanh (một loại đá quý làm đồ trang sức) với mong muốn đổi đời những tưởng đã qua đi vài năm, không ngờ gần đây lại bùng phát. 
Đào bới tìm kiếm đá xanh trên đồi Tỷ (xã Xuân Lẹ, Thường Xuân, Thanh Hóa)
Đào bới tìm kiếm đá xanh trên đồi Tỷ (xã Xuân Lẹ, Thường Xuân, Thanh Hóa)
Bất chấp lệnh cấm, nhiều người dân vẫn lén lút luồn rừng đi lùng đào đá xanh, đá thạch anh ở xã Xuân Lẹ (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa), khiến nhiều cánh rừng bị cày xới, tình hình an ninh trật tự trở nên bất ổn.

Vào đồi Tỷ tìm đá quý

Để đến được đồi Tỷ, từ trung tâm xã Xuân Lẹ, chúng tôi phải đi bộ khoảng 10km, mất hơn 2 giờ đồng hồ. Từ thôn Liên Sơn, men theo suối Cả, vượt thác Trai Gái, những con đường mòn ngoằn ngoèo, khúc khuỷu luồn trong những cánh rừng già đưa chúng tôi tới khu vực nghe đồn có nhiều đá xanh. Trước mắt chúng tôi là hàng trăm hố đá, mới có, cũ có, nằm san sát, tạo nên những hình ảnh loang lổ trên đồi. Nhiều hố đá rộng khoảng 1m, sâu khoảng 3m với hình dích dắc; nhiều hố đào trên dưới 50cm thì bỏ dở (có lẽ vì không có đá)... Để đào được những hố này, việc đầu tiên là phải tàn phá cây rừng, bất kể cây to hay nhỏ. 

Tại một lán nhỏ trên đồi Tỷ, chúng tôi gặp anh Cầm Bá T. cùng với 2 người phụ nữ và 1 nam thanh niên địa phương đang đào 2 hố tìm đá xanh. Trong khi 2 người phụ nữ dùng cuốc để cào thì đàn ông dùng xà beng hì hục đào, khoét sâu vào trong lòng đất. Hàng chục cây gỗ lớn hơn người ôm bật gốc, nằm ngổn ngang trên diện tích hơn 500m², nhiều cây chưa đổ nhưng đã bị chặt đứt hết rễ để khoét sâu vào lòng đất tìm đá.
Anh T. cho biết: “Trên quả đồi này ở đâu cũng có đá xanh. Có những hố đào sâu 3m, có hố đào sâu đến 7m”. Mấy người trong hội đào đá kể, nói là trên đồi Tỷ nơi nào cũng có đá xanh nhưng thực ra, việc đào được đá xanh là do may mắn. Có người đi cả tháng không đào được gì đành về, nhưng có người đi buổi sáng là buổi chiều đào trúng “ổ” đá xanh. Một người trong nhóm đưa chúng tôi xem mấy viên đá thạch anh mới đào được, tiết lộ: “Nếu không đào được đá xanh mà đào trúng đá thạch anh thì chỉ bán được vài trăm ngàn một ký. Có nhóm đi 1 tuần, có nhóm nửa tháng, có nhóm 1 tháng liên tục”.

Bỏ mạng vì đá xanh

Giai đoạn 2007 - 2014 là thời kỳ khai thác đá xanh rầm rộ tại khu vực giáp ranh giữa xã Xuân Lẹ (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và xã Thông Thụ (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An). Có thời điểm, nơi đây có hàng trăm người đổ xô vào đào đá. Ông Hoàng Trọng Lưu, Chủ tịch UBND xã Xuân Lẹ, cho biết, trước đây trên địa bàn giáp ranh này người dân không chỉ khai thác đá xanh mà còn khai thác quặng. Thời kỳ khai thác rầm rộ nhất thì không chỉ có người của địa phương mà còn có người ở nơi khác như xã Xuân Chinh, Vạn Xuân (huyện Thường Xuân), xã Xuân Bái (huyện Thọ Xuân) và cả người ở tỉnh Nghệ An đi khai thác đá, quặng.

Hành trang của những người đi tìm đào đá xanh là xà beng, cuốc, xẻng, ba lô đựng gạo, thức ăn (chủ yếu là cá khô, thịt heo)… Những người đi tìm đá thường tổ chức thành từng nhóm 4 - 6 người gồm anh em, họ hàng và người thân thiết. Sau khi tập hợp nhóm, họ sẽ vào rừng dựng lán và lao vào cuộc tìm vận may. Để khai thác đá xanh, nhóm sẽ phải đào từ trên xuống dưới theo hình xoắn ốc, với độ sâu 3 - 7m. Những thanh niên có sức khỏe dùng xà beng đào sâu vào trong lòng đất, khoét thành các hang đất, đá để tìm đá xanh. Hang thường chỉ vừa một người chui vào trong để khoét đất, đá, sau đó bốc bỏ vào một chiếc giỏ nhỏ để người bên trên dùng dây kéo lên. Nếu đào được “ổ” đá xanh thì nhóm sẽ đổi đời. Đá xanh giá rất cao, tùy thuộc vào chất lượng của đá có giá từ vài triệu cho đến vài trăm triệu đồng.

Người đi đào đá có thể đổi đời, nhưng cũng đối mặt với hiểm nguy rình rập, có khi phải đổi cả mạng sống. Ngày 8-2-2015, khi 3 thanh niên (đều trú xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân) đang đào hầm tìm đá trên đồi Tỷ thì hầm sập, cả 3 bị đất vùi trong hầm, mặc dù mọi người đào bới đất để cứu nhưng quá muộn. Ông Hoàng Trọng Lưu, Chủ tịch UBND xã Xuân Lẹ, cho biết, đã có 7 người chết vì khai thác đá xanh tại khu vực đồi Tỷ. Trong đó, xã Vạn Xuân 3 người, xã Xuân Lẹ 2 người, xã Xuân Cẩm 1 người và huyện Như Xuân 1 người.

Những ngày này vẫn có nhiều người vào rừng dựng lán đào đá xanh trên khu vực đồi Tỷ. Tuy nhiên, ông Hoàng Trọng Lưu lại cho rằng: “Hiện giờ người dân địa phương không còn đi đào đá xanh nữa, mà ở nhà tham gia trồng rừng. Chúng tôi đã phối hợp nhiều lực lượng cắt cử giám sát việc người dân đi đào đá xanh. Nếu phát hiện người nào đeo ba lô khả nghi, chúng tôi sẽ cho kiểm tra, rà soát. Cuối tuần đều lập báo cáo chi tiết”. 

Trong khi đó, ông Phạm Thăng Long, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân, cho biết, UBND huyện đang phối hợp và chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra việc khai thác đá xanh tại xã Xuân Lẹ. Ông Long thừa nhận, việc phá rừng, đào núi để tìm đá xanh là có. Điều này khiến tình hình an ninh trật tự ở xã Xuân Chinh và Xuân Lẹ bất ổn, đơn vị đã phải cử một hạt phó chuyên trách vào nằm vùng tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục