
Ngày 9-6, Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM phối hợp với Thành đoàn TNCS TPHCM tổ chức chương trình giao lưu và tuyên dương “Cán bộ trẻ tiêu biểu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2008”, với sự tham gia của gần 300 cán bộ trẻ. Đây là những cán bộ trẻ tiêu biểu thuộc chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn của Thành ủy TPHCM. Sau nhiều năm về công tác tại cơ sở, phần lớn trong số họ đã trưởng thành hơn trong suy nghĩ, hành động và cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Ngoài 30 tuổi, anh Lê Tấn Tài, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường 6, quận 5 là một cán bộ trẻ có nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả cao trong công việc. Khi dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TPHCM triển khai thi công trên đường Hàm Tử thì vô số những đống rác thải, xà bần được người qua đường vô tư xả, gây thiếu mỹ quan đô thị. Tình trạng này kéo dài nhiều năm tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật, ma túy hoạt động…

Khi triển khai cuộc vận động “Năm 2008 - Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”, Đảng ủy, UBND phường 6 quyết định chọn khu vực tuyến đường Hàm Tử để xây dựng “nếp sống văn minh đô thị”. Và “bí quyết” làm sạch con đường được anh Lê Tấn Tài đưa ra đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Phường đã “treo” mức thưởng nóng 100.000 đồng/lần cho những ai phát hiện người đổ xà bần; thưởng 50.000 đồng/lần cho người phát hiện hành vi tiêu, tiểu không đúng chỗ. Qua đó, đã có hàng chục trường hợp tiêu, tiểu bậy, xả rác, đổ xà bần trộm được người dân phát hiện và báo cơ quan chức năng xử lý.
Sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ Phó Phòng Tài nguyên - Môi trường quận 6, chị Diệp Hồng Di được điều động về giữ nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND phường 10, quận 6. Một cán bộ phường biết lắng nghe, chia sẻ để có những quyết định hợp lòng dân luôn là hình tượng mà chị Hồng Di phấn đấu đạt được.
Chị tâm sự: Là cán bộ trực tiếp tiếp xúc với người dân hàng ngày, tôi luôn tâm niệm phải luôn lắng nghe người dân. Nhiều lúc người dân giận, mắng luôn cả cán bộ phường, những lúc đó, chúng tôi không phản ứng, chỉ lắng nghe và chờ họ dịu lại mới giải thích cặn kẽ.
Điều tâm đắc với Tiến sĩ Nguyễn Kinh Luân (Phòng Kế hoạch - Đầu tư, Ban Quản lý Khu Nam TPHCM) là, ngoài tâm huyết và kỷ luật thì phải “dám làm và dám chịu trách nhiệm”. Với kiến thức nền tảng vững vàng, anh Luân đã nâng cấp cổng thông tin điện tử của đơn vị với các thư mục rõ ràng, chỉ dẫn cho các đối tác làm ăn trong nước và nước ngoài cũng như người dân tìm hiểu về thủ tục, tình hình đầu tư, xây dựng, đất đai. Trang web mới này ra mắt vào cuối tháng 6-2009 hứa hẹn sẽ giúp người dân giảm phiền hà vì những rắc rối liên quan đến thủ tục hành chính.
Trăn trở giữa “cống hiến” và “thu nhập”
Có thể nói, sau 10 năm thực hiện chương trình tuyển chọn và quy hoạch cán bộ dài hạn của Thành ủy TPHCM, đến nay, nhiều sinh viên, công nhân, cán bộ, công chức trẻ đã trưởng thành về nhiều mặt, thường xuyên tự rèn luyện, học tập và không ngừng vươn lên trong công tác. Tuy nhiên, trước khi trở thành những công chức trẻ trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, không ít bạn trẻ còn lấn cấn giữa việc chọn con đường “cống hiến” hay chọn thu nhập cao.

Đồng chí Dương Quan Hà, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM trao giấy khen cho các cán bộ trẻ xuất sắc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Một cán bộ trẻ của chương trình - anh Nguyễn Anh Đức, Giám đốc kế hoạch đầu tư của Sài Gòn Coop cho rằng, điểm giống nhau giữa một cán bộ trẻ làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước và làm việc ở doanh nghiệp chính là mục tiêu và lý tưởng sống- đều muốn cống hiến và làm thật tốt nhiệm vụ của mình.
Theo anh Đức, thu nhập không phải là sự khác biệt cơ bản khi làm việc ở cơ quan hành chính nhà nước và doanh nghiệp mà khác nhau chính là môi trường rèn luyện. Anh Đức giải thích: “Làm việc ở cơ quan hành chính nhà nước sẽ cung cấp cho cán bộ trẻ kỹ năng “cứng”, tức là rèn luyện bản lĩnh chính trị, vững vàng chín chắn khi đương đầu với khó khăn. Còn khi làm việc ở doanh nghiệp, cán bộ trẻ sẽ được cung cấp kỹ năng “mềm”, phản ứng nhanh trước mọi tình huống và dĩ nhiên là thu nhập cao hơn”.
Chị Trịnh Thị Thanh từng là cán bộ Đoàn quận 1. Sau một thời gian được cử đi học, chị đã về nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy phường Cầu Kho, quận 1. Chị Thanh cho biết: Môi trường làm việc ở phường thường được nhiều người ví là “làm dâu trăm họ” nhưng nói vậy chứ chưa hẳn là vậy. Chị Thanh cũng cho rằng, muốn làm tốt công việc ở phường, xã, mỗi một cán bộ trẻ cần phải thực hiện được 4 yêu cầu: Am hiểu chức trách, nhiệm vụ; khiêm tốn lắng nghe ý kiến góp ý của người dân; phong cách làm việc dân chủ, khoa học và đã hứa là phải làm. “Làm cán bộ phường xã, thu nhập có thể không cao nhưng đây vẫn là môi trường tốt để các bạn trẻ cống hiến”, chị Trịnh Thị Thanh tâm sự.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Dương Quan Hà cho rằng: “Vấn đề giữa cống hiến và thu nhập, lương cao hay lương thấp làm nhiều bạn trẻ phải trăn trở, suy nghĩ. Quan trọng hơn cả là các bạn nhận thức về vấn đề này như thế nào. Theo tôi, nếu có cống hiến ắt sẽ có sự đãi ngộ công bằng và sự “cống hiến” không thể tính bằng thước đo vật chất…”
Năm 2008, Ban Tổ chức Thành ủy đã triển khai tuyển chọn 236 cán bộ và sinh viên vào diện quy hoạch dài hạn, trong đó cán bộ công chức là 195 người, sinh viên là 41 người. Năm qua, có 55% cán bộ trẻ được cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 44,7% được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ; 0,3% chưa hoàn thành nhiệm vụ. Tổng số cán bộ trẻ diện quy hoạch dài hạn của TP hiện nay là 1.056 người. Dịp này, Ban Tổ chức Thành ủy đã trao tặng giấy khen cho 85 cán bộ trẻ tiêu biểu trong năm 2008 của TPHCM. |
THẠCH THẢO