Mạch nguồn lục bát từ một cuộc thi

Ngày 22-5, tại Hội trường NXB Trẻ đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi thơ lục bát với chủ đề "Quê hương và Tình yêu" do tập san Áo Trắng (NXB Trẻ) tổ chức. Cuộc thi cho thấy dòng chảy của thể thơ lục bát vẫn tiếp tục được kế thừa khi nhận được 474 bài thơ dự thi từ các tác giả trên khắp mọi miền đất nước.

Bắt đầu nhận bài từ ngày 1-11-2020 đến ngày 1-5-2021. Trong vòng 6 tháng, Áo Trắng đã nhận được 474 bài thơ dự thi. Ban sơ khảo đã chọn 134 bài thơ đăng trên tập san Áo Trắng. Ban chung khảo gồm các nhà thơ: Nguyễn Thái Dương, Lê Minh Quốc, Hồ Thi Ca đã đọc kỹ lưỡng trước khi thống nhất kết quả cuối cùng.

Theo đó, giải nhất (trị giá 10 triệu đồng) thuộc về tác giả Nguyễn Văn Song (Hưng Yên) với bài Cổng làng, giải nhì (8 triệu đồng) thuộc về tác giả Trần Ngọc Mai (Đại học An ninh Nhân dân, TPHCM) với bài Nhớ quê, giải ba (6 triệu đồng) thuộc về tác giả Lưu Lãng Khách (TPHCM) với bài thơ Lau bụi, giải tư (4 triệu đồng) thuộc về tác giả Trần Văn Nhân (Bà Rịa - Vũng Tàu) với bài thơ Quê hương ở đâu.

Mạch nguồn lục bát từ một cuộc thi ảnh 1 Ban tổ chức cùng Ban giám khảo chụp ảnh với các tác giả đoạt giải trong cuộc thi thơ lục bát "Quê hương và Tình yêu"
Ngoài ra, cuộc thi còn trao 4 giải khuyến khích (2 triệu đồng) cho các tác phẩm: Giang tay ôm gốc da quê của Trần Kế Hoàn (Nam Định), Bà vặn chổi rơm của Văn Tín (Hà Nội), Chấm thêm một nét của Khét (Cà Mau) và Cố hương xanh của Lê Hòa (TPHCM).

Đánh giá chung về cuộc thi, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng, so với các nhà thơ của thế hệ trước, những bài thơ đạt giải lần này cũng có sự miêu tả nhưng đã có sự khác biệt về hình ảnh, chi tiết. “Quê hương đã hiện diện với những hình ảnh kẹt xe, bùng binh, giếng trời, chung cư… Và có thể nhiều thứ nữa mà trước đây, trong thơ chúng ta chưa có. Tôi nghĩ đây là những hình ảnh rất mới của những tác giả trẻ, rất đáng trân trọng”, nhà thơ Lê Minh Quốc bày tỏ.

Mạch nguồn lục bát từ một cuộc thi ảnh 2 Theo nhà thơ Lê Minh Quốc, so với thế hệ trước, những bài thơ đoạt giải lần này đã có sự khác biệt về hình ảnh và chi tiết
Còn nhà thơ Hồ Thi Ca cho biết, khi được mời làm giám khảo cho cuộc thi thơ lục bát "Quê hương và Tình yêu", ông đã từng ngần ngại. Bởi theo ông, đọc hàng trăm bài thơ mà chỉ một thể loại thơ, lại chỉ có một đề tài thì sẽ rất chán và căng thẳng.

“Tuy nhiên, khi đọc tôi lại có cảm nhận hoàn toàn khác. Bởi vì, cuộc thi có sự tham gia của nhiều tác giả ở nhiều độ tuổi và vùng miền khác nhau. Mỗi người có một cách thể hiện khác nhau, và từ các vùng miền khác nhau đã tạo nên những dấu ấn văn hóa khác nhau trong thơ”, nhà thơ Hồ Thi Ca hào hứng chia sẻ.

Mạch nguồn lục bát từ một cuộc thi ảnh 3 Nhà thơ Hồ Thi Ca chia sẻ tại lễ trao giải
Có một điều dễ nhận thấy trong cuộc thi lần này, đó là đa phần các tác giả tham dự đều ở độ tuổi rất trẻ. Tác giả Trần Ngọc Mai, người đạt giải nhì chia sẻ: "Làm thơ lục bát vừa dễ vừa khó. Dễ vì thơ lục bát gần gũi, dễ nghe, dễ nhớ, dễ thuộc. Chính vì lẽ đó, có nhiều tác giả và độc giả yêu mến và gắn bó với thơ lục bát.

Nhưng đó cũng chính là điểm khó cho những người sáng tác lục bát hiện nay, khi phải tìm cái mới, về chủ đề, về ngôn ngữ, thậm chí cách thể hiện. Nhưng quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất, đó chính là khơi nguồn cảm xúc của người viết về những chủ đề mang hơi thở của cuộc sống hiện đại".

Mạch nguồn lục bát từ một cuộc thi ảnh 4 Nhà văn Đoàn Thạch Biền và ông Dương Thành Truyền trao giải cho tác giả Trần Ngọc Mai (thứ hai, từ trái qua) và tác giả Lưu Lãng Khách
Chia sẻ riêng với Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng về mạch nguồn của thể thơ lục bát hiện nay, nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết: “Hầu như tất cả người Việt ai cũng đều yêu thích và có thể làm thơ được. Nhưng không riêng cuộc thi lần này mà ở nhiều cuộc thi khác, người ta đã kéo bài lục bát ra dài quá, làm cho tứ thơ bị loãng”.

Theo nhà thơ Lê Minh Quốc, khi làm thơ lục bát tức là anh đang "khiêu vũ trên lưỡi dao lam", nếu không khéo sẽ để lại "vết thương" ngay. Anh lý giải: “Nếu anh kéo dài quá sẽ trở thành vè; còn nếu được tiết chế, cô đọng sẽ trở thành những bài lục bát hoàn chỉnh hơn. Thơ cần sự cô đọng, kiệm lời. Muốn như vậy, anh phải chọn từ cho thật đắt. Chỉ một từ nhưng nói được nhiều nghĩa, nhiều ý, chứ không phải kéo dài để nói chỉ một chữ. Với thể thơ lục bát, cái khó nhất trong bất kỳ thời điểm nào cũng thế, anh phải lựa chọn từ ngữ như thế nào để nó đắt giá nhất, không phải kéo dài chữ”.

Mạch nguồn lục bát từ một cuộc thi ảnh 5 Nhà thơ Lê Minh Quốc và nhà thơ Hồ Thi Ca trao giải khuyến khích cho hai tác giả Lê Hòa và Khét
Thể thơ lục bát đã định hình từ hàng nghìn năm nay, việc làm mới thể thơ này là một thách thức không nhỏ đối với những người viết sau. Theo nhà thơ Lê Minh Quốc, việc làm mới thể thơ lúc bát có thể đến từ sự tách nhịp trong cùng câu lục câu bát, chẳng hạn câu bát 2-2-2 hoặc 3-3.

Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ mà quan trọng là chữ. “Chữ từ đâu mà có? Điều này không phải ngẫu nhiên. Chữ được ra đời trong đời sống hiện đại, người làm thơ vận dụng các chữ đó, rồi chọn lọc để đưa vào trong thể thơ lục bát giúp câu thơ trở nên mới hơn”, nhà thơ Lê Minh Quốc nói thêm. 

Tin cùng chuyên mục