
Chúng tôi thuộc lớp sinh viên lạ lùng và đặc biệt của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học Ngữ văn tại vùng sơ tán ở núi rừng Đại Từ Thái Nguyên từ 1966-1970. Điều chúng tôi cảm động, kính trọng nhất chính là các thầy cô của mình. Khó khăn đối với chúng tôi một, khó khăn của thầy cô gấp trăm gấp ngàn lần.
Suốt thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), thầy cô đã chịu bao nhiêu gian khó, hòa bình chưa được 10 năm (1954-1964), các thầy các cô lại dìu dắt sinh viên lên rừng cùng dạy, cùng học và đào tạo nhiều trí thức thanh niên biết xả thân lên đường ra trận. Nhiều người trong chúng tôi đã “xếp bút nghiên” tỏa ra các chiến trường ác liệt và nhiều người làm rạng danh Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Đại học Tổng hợp Hà Nội nay đã là Đại học Khoa học Xã hội-Nhân văn Hà Nội. Thầy cô và sinh viên chúng tôi thuở ấy ai cũng nhớ và tự hào thời kỳ sơ tán đói nghèo, vui vẻ và oanh liệt ấy. Sinh viên chúng tôi nhớ về từng thầy cô đã đành, các thầy cô cũng nhớ từng sinh viên thời ấy.
Trong các thầy cô thuở “Đại học Khoa Văn, vì đi sơ tán cho nên hắc lào” (bài hát chúng tôi “chế” theo bài “Quảng Bình quê ta, chiều nay vang tiếng câu (ơ) rằng”...), thầy Hà Minh Đức, thầy Hoàng Như Mai là cộng tác viên tâm huyết của các báo, đài.
Đặc biệt thầy Hoàng Như Mai vào làm việc và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, hễ có gì vui buồn, hay muốn nói chuyện… là gọi chúng tôi lại gặp gỡ, trao đổi. Chúng tôi nhớ mãi hai mẩu chuyện của thầy Hoàng Như Mai.
Ấy là năm 1967, anh Đình Khuyến, một sinh viên Khoa văn, vừa tốt nghiệp, xung phong vào chiến trường B2 làm phóng viên ở Thông tấn xã Giải Phóng. Anh làm xong luận văn tốt nghiệp là lên đường ngay. Sau giải phóng, anh cũng “quên” luôn cái luận văn của mình.
Khi anh bị tai nạn qua đời, ai cũng thương cảm. Chính thầy Mai là người chấm luận văn anh Khuyến đã tìm lại bản luận văn đó đưa đến nhà cho vợ con anh Khuyến giữ như một kỷ vật vô cùng quý giá.
Gần đây, thầy Mai gọi chúng tôi đến và nói: “Tôi có tìm được bản luận văn của anh Diệp Minh Tuyền. Các cậu nhớ gởi lại cho gia đình anh Tuyền. Anh Tuyền học sau anh Khuyến, nhưng cũng ra chiến trường mà chưa thấy lại bản luận văn của mình”.
Anh Tuyền bị bệnh qua đời; chị Bửu Lan, vợ anh, cũng qua đời sau đó. Chúng tôi cầm bản luận văn trong tay, nhìn thầy mà không cầm được nước mắt. Thầy dạy dỗ chúng tôi, theo dõi chúng tôi, muốn giữ lại từ học sinh những gì tốt đẹp… Tôi đã tìm các con anh Tuyền, gởi lại bản luận văn.
Qua gần nửa thế kỷ, hai bản luận văn viết tay dưới ánh đèn dầu trong hầm sâu những ngày Đại học Tổng hợp sơ tán trên núi rừng Đại Từ Thái Nguyên, được thầy Hoàng Như Mai lưu giữ và gởi trả về cho gia đình các sinh viên nay đã trưởng thành.
Các thầy cô mãi là thầy cô của chúng tôi, và chúng tôi mãi là học trò của thầy cô.
LƯU XÁ