Mảng trống thể thao học đường

VIỆT QUANG

Giới mộ điệu bóng bàn hẳn còn nhớ chị em Mỹ Linh - Phương Linh và người bạn thân Mai Thy đã từng làm mưa làm gió ở nội dung bóng bàn nữ quốc gia gần 20 năm trước. Họ đều là sinh viên của Trường Đại học Kinh tế, một trong những “lò” thể thao rất mạnh của TPHCM. Cũng trong khoảng thời gian đó, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng từng suýt “vỡ sân” ở các trận đấu bóng chuyền giữa ĐH Kinh tế - ĐH Bách khoa hay Kiến trúc. Còn ở môn bóng đá, nhiều năm phải tạm hoãn tổ chức vì không bảo đảm được công tác an toàn khi mà số lượng đội cũng như cổ động viên quá đông.

Trong khi hiện nay, ngay cả các môn thi đấu thuộc Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố cũng chẳng còn được quan tâm. Các giải đấu dành cho sinh viên, học sinh tại TPHCM đi xuống cả chất và lượng, có tổ chức hay không cũng chẳng ai biết. Sân bóng chuyền của Nhà văn hóa Thanh niên thành phố trước đây sáng chủ nhật nào cũng đầy kín người ở Festival học sinh toàn thành thì nay đã chuyển đổi công năng. Đấy chính là hình ảnh tiêu biểu của thể thao học đường TPHCM hiện tại.

Thật ra, không chỉ tại TPHCM, các địa phương khác cũng cùng chung hoàn cảnh. Thể thao học đường hiện tại chỉ còn chờ dịp Hội khỏe Phù Đổng mới sôi động, trong khi các giải đấu thường niên hiện chỉ có bóng đá là còn tổ chức giải vô địch sinh viên toàn quốc. Điều đáng nói là tại các trường học, từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông vẫn có các môn thể thao ngoại khóa, các CLB thể thao theo sở thích của học sinh. Tuy nhiên, sự tham gia của các em chỉ mang tính hình thức do thiếu sân bãi và thành tích trong tập luyện thể thao cũng không được xét vào thành tích học tập. Ở cấp độ đại học, tình hình còn kém hơn khi thể thao hoàn toàn không có trong chương trình học dù là ngoại khóa.

Trong Quy hoạch phát triển ngành TDTT của TPHCM thì các chỉ tiêu hướng đến năm 2020 và 2025 đa số đều phải đạt 100%. Ngay từ năm 2015 đã phấn đấu 97% các trường đều phải có hoạt động TDTT ngoại khóa. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này đều vấp phải khó khăn lớn nhất là điều kiện cơ sở vật chất và “đầu ra” cho các hoạt động nâng cao. Sẽ không thể có một nền thể thao học đường phát triển nếu không có các giải đấu dành cho từng đối tượng và hệ thống sân bãi phù hợp. Chỉ riêng chuyện vận động học sinh - sinh viên đến tham gia các buổi học đã khó, việc hướng các em đến tập luyện thường xuyên để có cơ sở phát hiện tài năng cho ngành thể thao là điều không thể. Đây là lý do mà mỗi khi tham dự các giải vô địch sinh viên học sinh Đông Nam Á, Bộ GD-ĐT phải “mượn” các VĐV đang học tại chức ở những trường chuyên ngành.

Nghịch lý dễ thấy nhất nằm ở môn bóng đá. Đã có không ít cầu thủ chuyên nghiệp xuất thân từ phong trào dù không trải qua đào tạo từ bé, rồi nhiều cầu thủ khác từ sân bóng đá phủi lên V-League đá chuyên nghiệp, nhưng không hề có cầu thủ nào xuất thân từ sinh viên dù thời gian thi đấu tại bóng đá Việt Nam hiện nay không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động học tập. Trong khi đó, lại chẳng thiếu những cầu thủ chuyên nghiệp sau khi giải nghệ sớm vì chấn thương lại đến trường để đi học hay như trường hợp một số cầu thủ U.19 của HA.GL đang theo học tại Cao đẳng TDTT TPHCM. Có thể nói, bóng đá Việt Nam đã bỏ qua một nguồn nhân lực không nhỏ từ môi trường học đường chỉ vì cho đến nay, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chưa có chiến lược phát triển mảng này.

Thể thao học đường là một mảng đặc biệt trong chiến lược phát triển thể thao Việt Nam. Ngoài việc nâng cao thể chất thế hệ trẻ, giảm bớt các biến tướng xã hội, còn có ý nghĩa cải thiện chất lượng VĐV đỉnh cao, bởi nếu xuất thân từ môi trường học tập thì VĐV sẽ có tư duy tốt, có điều kiện để theo đuổi sự nghiệp đỉnh cao lâu dài. Rõ ràng, trách nhiệm của ngành thể thao đối với môi trường học đường rất quan trọng chứ không thể khoán trắng nội dung này cho ngành giáo dục.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục