Mạnh dạn cải tiến dạy và học Sử

Với điểm chuẩn thấp hơn năm ngoái từ 0,5 - 1 điểm, vấn đề dạy và học các môn xã hội, đặc biệt là môn Sử, một lần nữa lại được đem ra bàn thảo. Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này.

  • PGS-TS Nguyễn Cảnh Huệ, Quyền Trưởng khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm TPHCM: Người thầy phải truyền lửa

Nhìn chung, mặt bằng điểm thi đại học môn Sử năm nay khá thấp do môn này không có trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. 1 tháng là khoảng thời gian quá ngắn để các em đầu tư cho môn học này ở kỳ thi đại học. Trong khi đó, đề thi năm nay lại được đánh giá tương đối khó, yêu cầu thí sinh phải có tư duy phân tích, khái quát mới làm được. Ngoài ra, với cách dạy đọc - chép - học thuộc lòng hiện nay, đề thi càng cải tiến càng khiến học sinh lúng túng. Ngay cả nhiều sinh viên khoa Sử cũng trăn trở về con đường mình đã lựa chọn. Đam mê, nhiệt huyết trở thành điều thứ yếu trước áp lực của những lợi ích vật chất và định kiến xã hội. 

Do đó, để khắc phục tình trạng nói trên, yếu tố quyết định đầu tiên là vai trò truyền lửa của người thầy. Đừng giáo dục theo kiểu “đổ đầy xô” mà hãy thắp lên trong lòng học sinh những ngọn lửa, khơi dậy niềm đam mê và hứng khởi. Bên cạnh đó, kiến thức chuyên môn sâu rộng để nắm bắt được cái hồn của bài giảng cũng là một trong những yếu tố quan trọng cần có ở người thầy. Chúng ta nên tăng cường áp dụng những hình thức học mới, giúp học sinh phát huy được tính chủ động, sáng tạo như thảo luận, thuyết trình nhóm; khuyến khích tự học qua mạng, sách báo để kiến thức Sử ăn sâu vào máu thịt các em chứ không hời hợt như cách trả bài hiện nay.

  • PGS-TS Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Sử, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM: Mạnh dạn cắt bỏ 3/5 chương trình học

Nhìn vào kết quả thi Sử năm nay, tôi buồn nhưng không quá ngạc nhiên. Đó là hệ quả tất yếu của cả một hệ thống bất hợp lý từ chương trình, phương pháp giảng dạy đến hình thức đào tạo và quản lý. Thời trước, công nghệ thông tin chưa phát triển, sách vở thiếu thốn nhưng học sinh vẫn nhớ và hiểu nằm lòng các sự kiện lịch sử. Nay với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, internet phủ sóng khắp nơi, các em cần gì lên mạng tra cứu đều có, sách vở, tài liệu tham khảo nhưng học sinh lại ậm ờ trước những kiến thức lịch sử. Một bài giảng 45 phút lẽ ra chỉ cần tập trung làm rõ một tấm gương anh hùng hay một sự kiện nổi bật lại tham công tiếc việc, gom vào đó tất cả ngày tháng của cả một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử. Có thể nói chương trình giáo khoa hiện nay quá nặng về tính hàn lâm, chưa phù hợp với tâm sinh lý học sinh phổ thông.Trong khi đó, việc nhớ đầy đủ ngày, tháng, năm không quá quan trọng bằng việc các em có hiểu được ý nghĩa của những ngày, tháng đó hay không.

Bao năm qua, chúng ta cứ nói mãi về cải cách, giảm tải nhưng càng giảm tải, chương trình lại càng nặng hơn bởi cứ giảm phần này lại tăng phần kia. Theo tôi, nên mạnh dạn cắt bỏ hẳn 3/5 chương trình hiện nay, chỉ giữ lại những phần nào cốt lõi, phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh phổ thông. Chương trình nên dừng lại ở con số 9, 10 môn học là hợp lý và vừa sức, không nên dàn trải nhưng thiếu sàng lọc kiến thức như hiện nay. Người viết sách giáo khoa nhất thiết phải đặt mình vào vị trí học sinh để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em, hiểu các em cần gì, muốn gì.

Thu Tâm ghi

Tin cùng chuyên mục