Thuận mua - vừa bán, là nguyên tắc của thị trường. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ phía Việt Nam đã mua trọn toàn bộ bản quyền của các trận đấu trên sân khách, với mức giá rất cao. Ví dụ như trận Indonesia - Việt Nam ngày 15-10 tới được VTV sở hữu với chi phí hơn 9 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra: Tại sao chúng ta mua của họ giá cao nhưng họ lại “kỳ kèo” cho dù giá đề nghị từ phía Việt Nam cũng không quá đắt?
Kể từ sau kỳ tích á quân U23 châu Á 2018 đến nay, giá bản quyền các trận đấu của Việt Nam trên sân khách tăng đến chóng mặt. Nguyên nhân là giá tăng cỡ nào ta cũng mua. Chúng ta mua từ những trận giao hữu, cho đến các sự kiện mà thông thường có giá kiểu “vừa bán, vừa cho” như tại Asiad, King’s Cup. Từ các trận đấu của đội tuyển quốc gia, đến U23 và thậm chí là U19 nếu thi đấu quốc tế, đều có phát trên truyền hình để phục vụ người hâm mộ. Kể cả khi một vài trận đấu không được tổ chức truyền hình trực tiếp, thì các nhà đài Việt Nam sẵn sàng cử người sang để làm trực tiếp. Nói cách khác, việc chúng ta phải mua bản quyền với giá cao xuất phát từ chính chúng ta.
Như vậy chi phí mua bản quyền của Việt Nam có thể tác động xấu đến thị trường bản quyền chung, tạo ra sự mất cân đối và gây khó khăn cho những đơn vị chuyên kinh doanh sản phẩm này. Ví dụ như trong 4 trận đấu sân khách của Việt Nam, thì bất ngờ đài VTV lại sở hữu duy nhất trận Indonesia - Việt Nam, trong khi Next Media lại có bản quyền 3 trận còn lại. Có vẻ như các đài Việt Nam chọn cách tự thương thảo trực tiếp, ai nhanh hơn, “xuống tiền” nhiều hơn thì thắng, chứ không mua thông qua các công ty môi giới bản quyền. Trong thế giới kinh doanh bản quyền thể thao, nguyên tắc có đi - có lại rất quan trọng. Nếu việc mua - bán thông qua các công ty môi giới, thì lợi ích sẽ được chia đều cho các bên nhờ mối quan hệ của công ty đứng giữa.
Hiện nay, thị trường bản quyền của thể thao Việt Nam hầu như manh mún. Chúng ta có quá ít sản phẩm về bản quyền đủ chất lượng để chuyển cho các đơn vị kinh doanh quốc tế. Các giải đấu thể thao tại Việt Nam hiện nay, khâu sản xuất hình ảnh thường “nhờ vả” các đài truyền hình chứ không đủ năng lực tự sản xuất để có thành phẩm hoàn chỉnh theo các tiêu chuẩn quốc tế. Ngay như bóng đá, cũng chỉ mới khoảng 2 năm trở lại đây, mới tổ chức sản xuất riêng các trận đấu tại V-League và đội tuyển quốc gia, nhưng việc khai thác kinh doanh vẫn giậm chân tại chỗ. Bán bản quyền ngay trong nước còn không có tiền mặt thì làm sao có thể bán ra nước ngoài.
Liên quan đến việc sản xuất bản quyền, ở Việt Nam còn tồn tại một vấn đề lớn nữa, đó là sự dễ dàng tiếp cận các trận đấu bóng đá trên truyền hình. Ví dụ như trận Việt Nam - Malaysia tới đây, các đài địa phương vẫn có thể tiếp sóng từ đơn vị sở hữu bản quyền, rồi các nguồn mạng xã hội cũng tích cực live stream, nên người hâm mộ Malaysia có lẽ cũng không khó để xem được trận đấu này. Vô tình, đài tư nhân nào của Malaysia mà mua bản quyền gốc thì có thể sẽ thua lỗ trong việc phân phối lại. Tóm lại, khi không có sản phẩm tốt, đủ tiêu chuẩn để bán một cách thường xuyên, cán cân thương mại trên thị trường bản quyền chỉ nghiêng về một phía. Đã vậy, nhiều nhà đài Việt Nam lại tự cạnh tranh nhau, và hoàn toàn không biết cách từ chối khi đối tác nước ngoài “thổi giá”. Trường hợp VTV không mua, nhưng VTC lại có bản quyền giữa chừng ở Asiad 2018 có thể nói là điểm yếu của thị trường bản quyền thể thao tại Việt Nam.