“Mắt thần” chống tội phạm

Năm 2016, quận 12 đã phá án 39 vụ phạm pháp hình sự nhờ hình ảnh từ camera. Trong thời gian tới, hệ thống camera giám sát an ninh trật tự sẽ tiếp tục được lắp đặt với số lượng trên 2.000 camera phủ khắp quận 12. 
Ngày 6-5 nghi phạm trong vụ cướp ngân hàng ở Trà Vinh đã bị sa lưới pháp luật. Từ thông báo của Công an tỉnh Trà Vinh mô tả đặc điểm nhận dạng thủ phạm, một người dân phát hiện camera an ninh của nhà mình hướng ra đường đã ghi được hình ảnh nghi phạm đang chạy xe trên đường tẩu thoát sau khi gây án. Nhờ vậy, lực lượng phối hợp của Bộ Công an và công an địa phương đã xác định đối tượng trốn theo con đường độc đạo về phía Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải, và nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, khép chặt vòng vây, vận động nhân dân thị xã Duyên Hải và công nhân Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải tố giác tội phạm. Qua sự việc này, có thể khẳng định camera an ninh là phương tiện rất hữu hiệu trong vai trò “mắt thần” chống tội phạm, hỗ trợ việc điều tra phá án, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn.
Trước đó ngày 5-5 Trung tâm Chỉ huy hình ảnh và an ninh tại Công an quận 12 (TPHCM) được đưa vào hoạt động (đây là trung tâm chỉ huy hình ảnh và an ninh thứ hai tại TPHCM, sau Trung tâm Chỉ huy hình ảnh và an ninh tại Công an quận 5). Trung tâm được trang bị 12 màn hình, kết nối với 518 camera của 11 phường trên địa bàn và các cơ quan nhà nước ở quận 12, có thể quan sát các điểm nóng, các trục tuyến giao thông, giám sát chuyên sâu các mục tiêu trọng điểm, lưu trữ thông tin làm nguồn dữ liệu phục vụ công tác điều tra, phòng chống tội phạm, cung cấp bằng chứng cứ trước tòa trong việc đấu tranh chống tội phạm đường phố và phục vụ nhu cầu quản lý giao thông. 
Trước khi thiết lập trung tâm này, quận 12 cũng đã trang bị camera quan sát và xử lý vi phạm về an ninh trật tự tại các phường. Năm 2016, quận 12 đã phá án 39 vụ phạm pháp hình sự nhờ hình ảnh từ camera. Trong thời gian tới, hệ thống camera giám sát an ninh trật tự sẽ tiếp tục được lắp đặt với số lượng trên 2.000 camera phủ khắp quận 12. 
Cùng với nhiều đô thị ở các nước, việc lắp đặt camera đang được thực hiện tại nhiều khu dân cư ở nước ta nhằm kéo giảm tội phạm, kiểm soát trật tự giao thông, nâng cao ý thức và nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị. Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM) đã lắp đặt camera an ninh từ nhiều năm trước, có đội ngũ bảo vệ trực gác trên đường phố, liên lạc bằng bộ đàm, do vậy việc bảo vệ an ninh ở đây rất nghiêm ngặt, qua camera phát hiện ai có biểu hiện khả nghi là bảo vệ cảnh giác, tiếp cận ngay. UBND các quận 1, 3 và 5 đã phối hợp với Công an TPHCM triển khai lắp đặt camera cố định tại một số địa bàn du lịch trọng điểm thường xảy ra nạn cướp giật, bán hàng rong, chặt chém du khách. Quận Gò Vấp (TPHCM) cũng đã lắp đặt hệ thống camera an ninh cho toàn bộ 16 phường tại những tuyến, địa bàn trọng điểm. Sắp tới hệ thống camera trung tâm sẽ được lắp đặt tại trụ sở Công an quận Gò Vấp và đấu nối với tất cả hệ thống camera ở 16 phường để giám sát tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. TP Đà Nẵng đang triển khai việc lắp đặt thêm 857 camera tại các tuyến đường và 3.363 camera ở các khu dân cư. Hệ thống camera công cộng lắp đặt trên các tuyến đường sẽ do ngân sách TP đầu tư; còn camera ở các khu dân cư thì huy động sự đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trên địa bàn. Việc này được hầu hết người dân địa phương đồng tình ủng hộ, vì thiết thực tăng cường an ninh, an toàn cho người dân. 
Thực tế cho thấy việc lắp đặt công khai, trực quan các camera giám sát tại các địa bàn và hệ thống máy chủ tại trụ sở công an phường phần nào tác động đến các đối tượng hình sự, vì camera giúp nhận dạng, khoanh vùng và truy bắt đối tượng, khiến các đối tượng không còn dám manh động, liều lĩnh như trước. Tất cả những trường hợp tham gia giao thông vi phạm luật giao thông trên đường đều bị camera ghi lại và xử lý nghiêm. 
Như vậy, không cần phải bàn việc có cần thiết trang bị camera an ninh hay không, vấn đề là đầu tư thế nào thật hiệu quả, không lãng phí. Đã có nhiều trường hợp người dân, cơ quan và các địa phương trang bị camera an ninh nhưng mua nhằm loại chất lượng quá kém, cho ra hình ảnh quá mờ, nhòe, nên khi hữu sự thì không nhận diện được tội phạm, phóng to hình ảnh biển số xe của tội phạm cũng không sao đọc được, do vậy không giúp được gì cho việc điều tra phá án. Cũng đã có những trường hợp dù địa bàn có lắp đặt camera để giám sát từ trụ sở công an phường và chốt trực bảo vệ dân phố, nhưng hành vi phạm tội diễn ra ngay trước ống kính camera lại không bị phát hiện kịp thời vì người trực lơ là không theo dõi màn hình. 
Do vậy, để nâng cao hiệu quả của camera an ninh, cần lưu ý đảm bảo cả yếu tố kỹ thuật và con người. Phải trang bị camera hiện đại ghi hình rõ nét được các hoạt động diễn ra trên đường phố, quét được biển số các xe vi phạm, kể cả ban đêm. Ổ cứng lưu dữ liệu phải lưu giữ được trong thời gian nhiều ngày để thuận lợi cho việc trích xuất hình ảnh. Các linh kiện dùng để lắp ráp camera cần được kiểm tra thường xuyên và đường truyền internet phải ổn định. Người trực màn hình giám sát phải có ý thức trách nhiệm và nắm bắt được những kỹ năng cơ bản trong việc vận hành và bảo quản thiết bị; khi phát hiện hành vi tội phạm, phải thông báo ngay cho các chốt chặn phòng chống tội phạm để bắt, xử lý kịp thời. 
Có quy chuẩn camera an ninh chuyên dụng mới bảo đảm chất lượng hình ảnh, độ bền và kết nối tương thích được trong hệ thống. Trước mắt, chính quyền từng tỉnh - thành nên ban hành quy chuẩn camera đầu tư lắp đặt trên địa bàn, tránh tình trạng mua nhằm camera dỏm là hàng trôi nổi trên thị trường, cho hình ảnh chất lượng kém và chỉ sử dụng vài tháng đã hỏng. Khi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa mà hệ thống camera lại nhanh chóng hư hỏng, mất tác dụng sẽ gây mất niềm tin trong nhân dân.

Tin cùng chuyên mục