
Có thể nói tháng 7 vừa qua là tháng liên tiếp có nhiều tin không vui liên quan đến tiến độ xây dựng hạ tầng đô thị được báo cáo đến cấp thẩm quyền…
Nổi cộm là tình trạng hàng loạt cây cầu, nhất là những cây cầu huyết mạch đang xây dựng nhưng tiếp tục trễ tiến độ. Công trình cầu Nguyễn Văn Cừ là một ví dụ. Cầu này có thiết kế dài hơn 1,1 km, tải trọng H30, vốn dĩ là một dự án giao thông trọng điểm. Ngay từ năm 2000, dự án đã được UBND TPHCM kêu gọi đầu tư nhưng do phải thay đổi thiết kế nhiều lần nên đến tháng 3-2005 mới thực sự đi vào giai đoạn thi công xây dựng.

Sau 10 năm thi công, cầu Hoàng Hoa Thám chỉ “được” thế này.
Lúc mới khởi công, theo kế hoạch ban đầu, công trình dự kiến hoàn tất vào đầu năm 2007, tức là cách đây hơn một năm rưỡi. Tuy nhiên đến kỳ hạn “khóa sổ” thi công thì đơn vị chủ đầu tư là Khu Quản lý giao thông đô thị (QLGTĐT) số 1 liên tục xin gia hạn, với lý do nghe rất quen tai và cũng đầy sức thuyết phục là “vướng mắc giải phóng mặt bằng”!
Kỳ hạn mới nhất mà chủ đầu tư xin gia hạn và đã được cấp thẩm quyền cho phép là 31-12-2008, nhưng rồi cũng vừa công bố là không thể nào hoàn thành thi công cho đến cuối tháng 1 năm tới. Lý do bây giờ không phải là “điệp khúc” vướng mắc đền bù giải tỏa nữa nhưng cũng nóng hổi tính thời sự là: giá vật liệu leo thang! Với mong muốn việc thi công theo kịp tiến độ đề ra nên chính quyền thành phố đã phá lệ, đồng ý ứng trước cho chủ đầu tư dự án được vay 50 tỷ đồng.
Nhìn dưới góc độ kinh tế mới thấy… xót xa tiền của. Bởi vì từ khâu kêu gọi đầu tư hồi năm 2000 đến lúc khởi công vào tháng 3-2005, công trình đã đội giá từ 240 tỷ đồng lên 371 tỷ đồng. Rồi sau vài lần gia hạn thi công, kỳ hạn chót được hẹn là cuối năm 2007, giá thành cây cầu cũng vọt lên thành 535 tỷ đồng, tức cao gấp đôi chiết tính ban đầu!
Thế mà ngay cả kỳ hạn mới nhất – tháng 1-2009 - cũng chẳng có gì lấy làm bảo đảm sẽ không… gia hạn nữa, vì rằng từ nay đến thời hạn đó chỉ tròm trèm 6 tháng, thế nhưng 4 gói thầu xây lắp chính tính đến tháng 7 vừa qua chỉ mới thi công được gần 50% khối lượng. Suốt 3 - 4 năm mà chỉ thi công được ngần ấy khối lượng, thì thật khó tin là chỉ 6 tháng mà “bứt phá” được 50% còn lại.
Cùng mắc “bệnh” trễ tiến độ là công trình xây dựng cầu Hoàng Hoa Thám. Cây cầu này thực ra chỉ dài có 100m nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng, bởi một khi hoàn thành cây cầu sẽ giúp giải tỏa áp lực giao thông trên các tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng… vốn dĩ luôn trong trạng thái triền miên quá tải và ùn tắc giao thông.
Công trình này được phê duyệt đầu tư xây dựng từ tháng 4-1998, tính ra đến nay đã hơn 10 năm, thế mà hiện chỉ mới xong được 3 trụ cầu nằm chơ vơ giữa lòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhìn cứ như một công trình hoang phế chứ không phải đang trong thời gian thi công.
Có chậm trễ thì có mất mát tiền của, bằng chứng là từ kinh phí xây cầu được xác lập ban đầu – tức cách đây hơn 10 năm chỉ vào khoảng 19 tỷ đồng, thì vì thi công “ngâm nga” nên kinh phí đã đội lên thành 119 tỷ đồng. Nhưng đoạn kết của công trình này mới thật chưng hửng: mặc dù 119 tỷ đồng là con số được UBND TPHCM duyệt thông qua trong tháng 3-2008 với dự kiến tháng 4-2008 sẽ khởi động trở lại, nhưng chưa kịp khởi động thì lạm phát tăng cao, nên kỳ hạn “dự kiến” kia tiếp tục được… trễ hạn, để rồi bây giờ UBND TP quyết định cắt giảm dự án này luôn nhằm kiềm chế lạm phát. Công trình cầu Hoàng Hoa Thám tiếp tục dừng lại ở mấy trụ cầu chỏng trơ phơi nắng dầm mưa!
Còn nhớ hồi tháng 7 vừa rồi, Khu QLGTĐT số 1 đã có lần công bố các gói thầu phụ giúp hoàn thiện cầu Thủ Thiêm, kết nối cầu với đường cũng sẽ phải gia hạn ít nhất 6 tháng nữa so với tiến độ đề ra ban đầu, nghĩa là nếu nhanh nhất – đồng nghĩa không có trở ngại phát sinh nào nữa - thì cũng phải đến cuối năm 2009 mới hoàn tất.
Lộ trình hoàn tất công trình cầu Công Lý được hoạch định là vào tháng 9 tới, nhưng thực tế chưa biết đến bao giờ mới xong. Lý do là vì thời gian hoàn tất cầu còn bị phụ thuộc vào việc lắp đặt hệ thống cống thoát nước thuộc Dự án Vệ sinh môi trường vốn dĩ đang nhì nhằng về tiến độ. Điều này giải thích vì sao Phó Giám đốc Khu QLGTĐT số 1, ông Nguyễn Văn Tám, chỉ hứa chắc là trong tháng 9-2008 thì thông xe được nhưng hoàn tất thì… “không dám đâu”!
Có lẽ cũng không thừa nếu nhắc đến 4 cây cầu trên tuyến đường Rừng Sác huyện Cần Giờ. Đó là các cầu Hà Thanh, Rạch Lá, Lôi Giang và An Nghĩa, với tổng vốn đầu tư gần 150 tỷ đồng. Đúng lý ra thì 4 cầu này đã xong từ năm 2006, thế nhưng cứ đến kỳ hạn hoàn thành thì cả nhà thầu và chủ đầu tư là Công ty Quản lý công trình cầu phà lại xin gia hạn với đủ thứ lý do. Năm lần bảy lượt như thế, nên cho đến nay các cây cầu kia vẫn còn… dở dang và chắc chắn đến khi được xây dựng lại chúng sẽ bị đội giá lên gấp nhiều lần so với ban đầu
THIỆN NHÂN