Miền Trung khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ

Nhiều địa phương ở Nam Trung bộ trời bắt đầu hửng nắng đã tạo điều kiện để người dân và các cấp chính quyền khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân.
Chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão. Ảnh: XUÂN HUYÊN
Chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão. Ảnh: XUÂN HUYÊN

Trong ngày 1-11, trên hầu hết các địa bàn ở miền Trung mưa đã ngớt, lũ trên các sông đã xuống dưới mức báo động 2. Nhiều địa phương ở Nam Trung bộ trời bắt đầu hửng nắng đã tạo điều kiện để người dân và các cấp chính quyền khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân.

Theo thống kê của các địa phương, trong đợt mưa lũ vừa qua có 179 nhà bị sập, 2.114 nhà bị hư hỏng, 200 nhà bị ngập; 79 tàu, thuyền khai thác thủy sản bị hư hỏng; hơn 5.000ha lúa và hoa màu thiệt hại…

Chiều 1-11, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia dự báo, từ ngày 3-11, trên khu vực giữa biển Đông khả năng xuất hiện một vùng áp thấp. Từ ngày 4 đến 5-11, vùng áp thấp có thể hoạt động mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Từ ngày 6-11, áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão, sau đó di chuyển về phía Tây và đi vào các tỉnh Trung bộ từ ngày 8 hoặc 9-11.
Từ sáng 1-11, các lực lượng quân đội, công an, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ ở tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều mũi đến vùng xung yếu để tiếp tục hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả của bão. Cũng trong ngày 1-11, ngành điện tiếp tục huy động tối đa lực lượng để xử lý, khắc phục các sự cố và đã cấp điện lại cho hơn 90% khách hàng ở các địa phương bị ảnh hưởng bão, lũ.

Từ ngày 31-10 đến 1-11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã huy động 40 chiến sĩ đến hỗ trợ, túc trực bảo vệ vùng dân cư bị sóng biển đánh sập nhà ở xã bán đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Các chiến sĩ đã huy động hàng ngàn bao cát để chèn chống, gia cố tạm nhà cửa, chân kè bị sạt lở ở thôn Hải Đông (xã Nhơn Hải) để ổn định đời sống tạm thời cho người dân.

Cùng ngày, Tỉnh đoàn Bình Định đã huy động trên 1.000 đoàn viên thanh niên cùng đông đảo người dân, công nhân đô thị TP Quy Nhơn tổ chức ra quân thu dọn rác, làm sạch bãi biển TP Quy Nhơn sau bão số 5.

Tại Quảng Ngãi, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dự bị động viên huyện Mộ Đức đã đến các điểm có nhà dân bị hư hỏng trên địa bàn huyện giúp dân sửa nhà sau khi bị lốc xoáy làm tốc mái. Trước đó, trong bão số 5, một trận lốc xoáy mạnh quét qua địa bàn các xã Đức Minh, Đức Chánh, Đức Lân gây tốc mái hoàn toàn 134 ngôi nhà, tốc mái một phần 222 ngôi nhà, 3 người dân bị thương.

Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng vũ trang huyện Mộ Đức đã huy động hơn 200 quân nhân và dân quân tự vệ xuống địa bàn giúp dân khắc phục hậu quả sau bão. Đến nay, các nhà bị tốc mái, hư hỏng đã cơ bản được sửa chữa xong.

Cùng ngày, ngành giao thông vận tải đã phối hợp cùng chính quyền huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, huy động phương tiện, nhân lực tiến hành giải phóng hàng ngàn mét khối đất đá bị sạt lở gây chia cắt tuyến đường vào xã Phước Thành, Phước Công. Dự kiến, việc khắc phục sẽ hoàn thành trong ngày 2-11.

Chiều 1-11, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hạ tầng và đô thị thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài, vào khoảng 3 giờ 50 cùng ngày tại khu vực sườn núi gần đền Eo Bạch, thuộc địa bàn thôn Hải Phong (xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh) đã xảy ra hiện tượng sạt lở khoảng 3.000-3.500m³ đất đá, làm gãy đổ 2 cột điện gây mất điện cục bộ và vùi lấp 1 thùng container của người dân ở gần đó. 

Trong khi đó, tại “thủ phủ” nuôi trồng thủy hải sản Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) sau 2 ngày cơn bão số 5 quét qua, nơi đây trở nên ảm đạm, xơ xác. Hàng trăm hộ dân có lồng bè, đìa tôm cá bị bão đánh vỡ gây thiệt hại rất nặng nề.

Bà Huỳnh Thị Mân (63 tuổi), người nuôi cá mú ở đầu cầu Bình Phú (xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu), khóc kể: “Chỉ một đêm bão vào đã cuốn mất của chúng tôi 7.000 con cá mú Trân Châu từ 7-8 lạng sắp xuất bán, giờ chỉ còn 300 con vật vờ sắp chết. Vay mượn hàng trăm triệu đồng để nuôi cá, giờ thì trắng tay, chẳng biết phải làm sao”.

Tương tự, ở vùng nuôi thủy sản xã Xuân Hải, đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu), người nuôi tôm cá đang “khóc ròng” vì bão đánh vỡ đìa, cuốn trôi cá.  Ông Nguyễn Hoài Phong, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xã Xuân Hải, lo lắng cho biết: “Hầu hết người dân đều phải đi vay mượn tiền để nuôi thủy sản, nên nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, cho họ vay vốn để vực dậy tái nuôi, chứ không thì nhiều người rơi vào đường cùng. Lo sợ nhất là việc người dân vay không được ngân hàng đi vay nóng tín dụng đen, vỡ nợ thì hết sức phức tạp...”.

Tin cùng chuyên mục