Minh bạch, công bằng để thu hút đầu tư

Năm 2023, kiều hối về TPHCM đạt khoảng 8,92 tỷ USD và nếu so với hơn 3 tỷ USD là tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TPHCM, có thể thấy nguồn lực trong dân rất dồi dào.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Để nguồn lực này chảy vào sản xuất - kinh doanh, mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế, nhất thiết phải tạo được niềm tin, sự an tâm từ phía nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước. Năm nay, lãnh đạo UBND TPHCM tiếp tục tổ chức những buổi gặp gỡ nhà đầu tư nước ngoài và vấn đề cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đang “khát” thông tin rất đáng quan tâm.

screenshot-71-6497-3173.png

Có thể ghi nhận ý kiến của Tổng Lãnh sự Singapore tại TPHCM Roy Kho, rằng thành phố muốn thu hút đầu tư ngành nghề, dự án cụ thể nào để lãnh sự quán ghi nhận và thông báo với doanh nghiệp Singapore - vốn luôn nghĩ tới TPHCM đầu tiên khi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Đại diện các nhà đầu tư cũng cho biết họ rất khó khăn khi tìm thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển hạ tầng. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ còn 10-15 năm là hết hạn sử dụng đất, nhưng thông tin chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp băn khoăn trong quyết định đầu tư.

Ở hội nghị bàn tròn với doanh nghiệp Nhật Bản diễn ra trước đó ít ngày, ông Tổng Lãnh sự Nhật Bản thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến chính sách đặc thù mà Nghị quyết 98 mang lại cho TPHCM trong thu hút đầu tư, mong muốn được TPHCM thông tin cặn kẽ, đầy đủ hơn để doanh nghiệp Nhật Bản nắm bắt.

Singapore và Nhật Bản là hai quốc gia có tổng vốn đầu tư vào TPHCM cao thứ nhất và thứ ba (Singapore cao nhất với 25% và Nhật Bản đứng thứ ba với 10% tổng số vốn). Những điều họ quan tâm cũng chính là tâm tư chung, không chỉ của doanh nghiệp nước ngoài. Dù không nói thẳng, nhưng tâm tư của các doanh nghiệp chắc hẳn phải được hình thành từ những lần chứng kiến các trang web chính thống của cơ quan chức năng đã cập nhật thông tin gần nhất từ... năm trước. Hay những khi thực hiện thủ tục, được dẫn lối lòng vòng…

Thực hiện Luật Tiếp cận thông tin (có hiệu lực từ 1-7-2018), các cơ quan đã công khai nhiều thông tin theo quy định, trong đó có chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực và phương thức, kết quả thực hiện… Nhưng khi doanh nghiệp đồng loạt có ý kiến, có nghĩa là việc thực hiện chưa tốt. Chúng ta đều biết rằng, thông tin chính là một nguồn lực quan trọng. Độ mở thông tin cũng thể hiện sự cầu thị, chuyên nghiệp từ phía chính quyền. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin sẽ giúp cho các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí kinh doanh và các rủi ro khi đầu tư, từ đó thu hút đầu tư và tạo việc làm nhiều hơn.

Bên cạnh đó, không chỉ có chung niềm tâm tư với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước mong muốn được đối xử công bằng. Theo một số liệu được Bộ Tài chính công bố trước đây, tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp của khối FDI được miễn giảm là 48% so với tổng số thuế tính theo thuế suất phổ thông. Tỷ lệ này với doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ là 14%.

Bên cạnh những chính sách ưu đãi, việc đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong môi trường đầu tư chính là điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm để thu hút được tất cả mọi nguồn lực cho sự phát triển chung của thành phố và đất nước.

Tin cùng chuyên mục