Mỏ crôm lớn nhất Đông Nam Á tại Thanh Hóa: Đang “chảy máu”!

Mỏ crôm lớn nhất Đông Nam Á tại Thanh Hóa: Đang “chảy máu”!

Ngày và đêm trên mỏ quặng huyện Triệu Sơn không ngớt người vào ra khai thác quặng crôm. Họ khai thác lậu, bất chấp lực lượng bảo vệ vùng mỏ. Mỏ crôm lớn nhất Đông Nam Á đang chảy máu!

Cả xã đào quặng

Mỏ crôm lớn nhất Đông Nam Á tại Thanh Hóa: Đang “chảy máu”! ảnh 1
Chiến sĩ công an thu giữ tang vật khai thác trộm

Người người đào quặng, nhà nhà đào quặng. Đào quặng đã trở thành “cao trào”. Mấy đứa bé gái đang mót quặng, nhanh nhảu chỉ đường cho chúng tôi vào vùng quặng Tân Ninh. Một đứa thật thà nói “nhà cháu đang đào quặng trong đó, ở đây ai cũng đi đào quặng”.

Người ta đã bới tung vùng đất này lên để lấy quặng khiến cả một vùng rộng hơn 16km2 thành những ao tù. Từ chân núi Nưa tính về ba xã Tân Ninh, Thái Hòa, Vân Sơn, chỗ nhiều thì thành hồ lớn, ít thì thành ao to.

Ngỡ chúng tôi là doanh nghiệp vào khảo sát địa bàn để đầu tư khai thác, cô Hòa, quê Tân Ninh bức xúc nói: “Ở đây toàn là khai thác lậu, công an tỉnh, công an huyện về dẹp loạn nhưng chỉ được ngày nay, mai họ lại ra mỏ khai thác. Bà con bảo không đào quặng thì lấy gì mà ăn!”.

Từ đầu năm tới giờ, bà con đã ồ ạt vào mỏ khai thác trộm. Nhà có vốn thì mua máy vào khai thác, nhà không có vốn thì vào làm thuê cho chủ, trẻ con, bà già thì đi mót. Cô Hòa nói tiếp: “Đã có mấy người chết vì sập mỏ, đầu năm tới giờ đã có 4 người chết rồi. Nhưng không ai ngừng khai thác cả, họ vẫn vô khai thác đều”.

Ngồi tâm sự cùng “quặng tặc”, biết tôi chỉ là doanh nghiệp đi khảo sát nên họ rất cởi mở tâm sự. Ông Tân vồn vã: “Trước đây tôi khai thác mỏ ở Tân Ninh, mới về Thái Hòa được ít hôm. Mỗi ngày đào cũng được vài tạ”. Ông Tân chỉ tay về phía bãi tập kết quặng của đội, có khoảng 100 bao tải đầy đựng quặng, đang nằm phơi ngoài trời, đợi cho đường khô ráo để vận chuyển về. Một yến quặng giá tương đương 7.000đ, loại 1 có thời điểm trên 10.000đ. Vậy mà hàng vẫn “khát”. Do đầu nậu đẩy giá quặng lên cao nên càng kích thích người dân vào mỏ khai thác.

Công ty “oằn mình” giải tỏa

Công ty crôm Cổ Định (Thanh Hóa) được phép quản lý và khai thác 16km2 thuộc địa phận ba xã Tân Ninh, Thái Hòa, Vân Sơn. Công ty có hai dây chuyền khai thác quặng đặt trên địa bàn xã Vân Sơn nhưng mấy tháng nay vẫn chưa hoạt động do đợi giấy phép cho hoạt động khai thác trở lại của UBND tỉnh. Trong khi công ty đợi được khai thác trở lại, hàng ngàn người dân đã ồ ạt tràn vào địa bàn quản lý của công ty để khai thác trộm.

Ông Phạm Văn Đoan, Phó giám đốc công ty, phụ trách bảo vệ vùng mỏ, cho biết: “Công ty đã kết hợp với trung tâm vệ sĩ Thanh Hóa để tăng cường cho lực lượng bảo vệ vùng mỏ, có thời điểm lên tới 50 người, rồi kết hợp với công an huyện, công an cơ động tỉnh cũng không thể dẹp được”.

Công nhân Trịnh Xuân Dương, quê Hậu Lộc cho hay: “Được lệnh cơ quan tăng cường lực lượng bảo vệ vùng mỏ, lúc đầu run lắm nhưng lâu cũng thành quen. Chỗ nào có tiếng máy nổ khai thác quặng là chúng tôi đến”.

Bọn khai thác quặng rất liều lĩnh, chúng còn thuê cả con nghiện vào vùng mỏ làm “tay mắt”. Chúng sẵn sàng đánh lại những người thi hành công vụ. Mới hôm 26-3 ở Tân Ninh đã có vụ chém nhau với lực lượng bảo vệ vùng mỏ.

Mục sở thị vùng mỏ vào ban đêm cùng với các chiến sĩ công an tỉnh, thấy hàng trăm đốm đèn đỏ “leo lét” trong đêm lẫn tiếng máy nổ thi nhau gào thét vang cả núi rừng. Anh Nguyễn Hoài Sơn, công an tỉnh, phụ trách địa bàn huyện Triệu Sơn cho biết: “Hôm nay đã giảm nhiều rồi, bởi bọn chúng đã “đánh mùi” thấy công an. Hôm qua cả vùng đèn sáng rực, không dưới trăm máy khai thác quặng. Anh em tổ chức bắt được 30 máy”.

Rời mỏ quặng Triệu Sơn, nhìn những khuôn mặt mệt mỏi và đen nhẻm của lực lượng bảo vệ vùng mỏ chúng tôi không khỏi xót xa. Quặng đang bị chảy máu quá nhiều và không thể không đặt câu hỏi: Ai đã tiếp tay cho dân vào vùng mỏ khai thác và trữ lượng quặng khổng lồ đã đi đâu?.

Doãn Xuân - Duy Phong

Tin cùng chuyên mục