Mở đường cho thực phẩm sạch

THÚY HẢI

Thời gian gần đây, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp cách người ta hỏi nhau: “Mua thịt, cá, rau ở đâu cho sạch? Sản phẩm đó có nguồn gốc từ đâu? Mua lúc nào thì còn hàng?...”. Nói cách khác, việc sản xuất, cung ứng, mua và bán các loại thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch đang trở thành vấn đề thời thượng trên thị trường hiện nay. Mới đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian để đi thực tế, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm (ATTP) và làm việc với lãnh đạo TPHCM về chủ đề này. Nhiều bộ, ngành chức năng cũng kỳ vọng, TPHCM sẽ là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc tuyên chiến với thực phẩm bẩn, bảo vệ sức khỏe giống nòi, từng bước hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại.

Trước thực tế trên, TPHCM đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên cho việc sản xuất, phát triển nguồn thực phẩm sạch, kết nối vào hệ thống phân phối tại TPHCM. Mở đầu cho chương trình thực phẩm sạch tại TPHCM là lễ công bố hệ thống các điểm bán hàng thực phẩm được công nhận Chuỗi thực phẩm an toàn (TPAT), đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP. Với cách làm này, TPHCM trở thành địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện thành công bước đầu mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo quy trình truy xuất nguồn gốc “từ trang trại đến bàn ăn”. Tính đến nay, trên địa bàn TPHCM đã có 308 điểm bán và 50 DN tham gia chuỗi TPAT.

Ngoài ra, những mặt hàng được cấp chứng nhận chuỗi TPAT đang kinh doanh phổ biến tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm, chợ truyền thống là rau củ quả của các HTX Phước An, Phú Lộc, Thảo Nguyên, Anh Đào; thịt gia súc của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty An Hạ; thịt gia cầm của Công ty Phạm Tôn; trứng gia cầm của Công ty Ba Huân, Adeco, Vĩnh Thành Đạt, thịt gia súc Vissan…

Bên cạnh các điểm bán thực phẩm trong chuỗi, tại TPHCM còn có các phiên chợ nông sản do các sở, ngành và các tổ chức thực hiện định kỳ mỗi tháng 2 lần, đã tạo ra không gian mua và bán mới cho thực phẩm sạch. Đến đây, người tiêu dùng có thể tìm mua đủ loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu tin dùng, khách hàng có thể gọi trực tiếp đến nhà cung cấp để được giao hàng tận nơi. Trên thị trường cũng đã xuất hiện khá nhiều cách kinh doanh các loại thực phẩm được cho là an toàn. Đó là chưa kể, việc bán các loại thực phẩm được quảng bá là tự trồng, tự làm qua facebook, viber… cũng trở nên phổ biến và được khá nhiều người tiêu dùng hưởng ứng.

Để thực hiện chiến luợc căn cơ về nguồn cung thực phẩm sạch, TPHCM đang thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình như: Đề án quy hoạch ngành chăn nuôi đến năm 2020; Đề án quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ; các chương trình hỗ trợ kích cầu đầu tư cho các dự án nông nghiệp, phát triển mạng lưới phân phối; tăng cường hợp tác thương mại với các tỉnh, thành để tìm kiếm, khuyến khích các DN sản xuất và chế biến thực phẩm sạch đưa vào hệ thống phân phối tại TPHCM; triển khai dự án, mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 - 2020… Sự kiện TPHCM vừa công bố Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thông qua việc xây dựng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc cũng không nằm ngoài mong muốn là mở rộng đường cho thực phẩm sạch phát triển bền vững, mang miếng ăn ngon và lành đến với từng gia đình, từng nguời dân của TPHCM. Sau thịt heo, TPHCM cũng sẽ triển khai truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng thực phẩm khác là rau củ quả, thịt và trứng gia cầm, thủy hải sản...

Chủ trương thúc đẩy cung cấp nguồn hàng đạt chứng nhận VietGAP, GloboGAP, thực phẩm hữu cơ, thực phẩm an toàn, đặc biệt là các sản phẩm nằm trong chuỗi TPAT của UBND TPHCM nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các sở, ngành, DN, đặc biệt là người tiêu dùng thành phố. Là người theo dõi xuyên suốt quá trình thực hiện, chúng tôi đã chứng kiến những cuộc “lên rừng, xuống biển”, những hội thảo đầu bờ đầy kịch tính của thế hệ những vị lãnh đạo thành phố trước đó với các DN. Nhưng thực tế cho thấy, các sản phẩm VietGAP mới chỉ quẩn quanh ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chưa thể vươn đến các chợ. Chính điều này đã kiềm hãm sự phát triển của các DN sản xuất.

Ở góc độ vĩ mô, nhiều DN mong muốn, các bộ, ngành chức năng sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng và ATTP theo hướng tiến gần với các tiêu chuẩn của các nước phát triển và tổ chức các bộ máy kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định này nhằm hướng đến sản xuất bền vững. Ở góc độ địa phương, có kế hoạch giám sát về chất lượng, nguồn gốc hàng hóa đối với các nhà sản xuất, kinh doanh và phân phối. Tiếp tục hỗ trợ DN, các HTX về chính sách vốn với chi phí thấp, về kỹ năng quản trị sản xuất, kinh doanh, về khoa học kỹ thuật công nghệ để duy trì đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa khi lưu thông trên thị trường.

Điều quan trọng là cần có sự định hướng, hỗ trợ DN đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu sự khác biệt về đặc tính kỹ thuật, chất lượng đối với sản phẩm nằm trong chuỗi TPAT so với những sản phẩm khác đang lưu thông trên thị trường. Thực chất của vấn đề ATTP sẽ được giải quyết tốt nếu có sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội, từ nhà quản lý, người sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng đều phải đồng lòng thực hiện với mục tiêu giữ gìn sức khỏe của mỗi người và của cả giống nòi tương lai.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục