Mô hình và giải pháp khai thác lễ hội

Lễ hội là hoạt động văn hóa truyền thống đã được Bộ VHTT phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thành công nhiều lần trong suốt 15 năm qua, như lễ hội văn hóa dân tộc Chăm, Khmer Nam bộ, Mông, Tây Nguyên… Các lễ hội được đông đảo đồng bào hưởng ứng, được quảng bá rộng rãi và phát huy tác dụng tích cực.

Hiện nay, trong xã hội đã xuất hiện nhóm các mô hình lễ hội lớn. Có loại lễ hội truyền thống như Đền Hùng, chùa Hương, Hội Lim, Lễ hội văn hóa du lịch đất phương Nam, Lễ hội trái cây vùng nhiệt đới, Lễ hội mừng đại thắng 30-4.

Trong thời gian tới sẽ có nhóm mô hình lễ hội khác được tập trung đầu tư khai thác: lễ hội Noel - Tết Dương lịch (tỉnh Lâm Đồng dự kiến gọi là Lễ hội mùa đông); Lễ hội Lăng Lê Văn Duyệt v.v…

Tuy nhiên về giải pháp khai thác để lễ hội đạt hiệu quả cao nhất thì cần chú ý đến tính đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm lễ hội- sự kiện, cần sân khấu hóa lễ hội một cách linh hoạt, hợp lý, chọn sự kiện tiêu biểu có giá trị văn hóa cao đưa vào lễ hội, tìm nét riêng độc đáo của từng vùng miền, từng địa phương, và thậm chí mua ý tưởng hay để tổ chức lễ hội ngõ hầu biến lễ hội trở thành một sự kiện văn hóa lớn góp phần tuyên truyền tôn vinh văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, phát triển du lịch.

Mới đây, Ngày hội văn hóa người Hoa cũng là một dạng lễ hội độc đáo ở TP Hồ Chí Minh, vừa phát huy tác dụng tốt, vừa củng cố niềm tin vào chính sách đoại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn mới.

Lễ hội văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, lễ hội Chăm, lễ hội văn hóa Khmer Nam bộ, các lễ hội ít quy mô ở từng địa phương đều gây được ấn tượng đẹp trong tâm thức người dân ở vùng đất phương Nam giàu truyền thống nhân ái, nghĩa tình.

Các lễ hội khi được tổ chức tốt, theo đúng phương châm và mục đích đề ra, là những hoạt động văn hóa tiêu biểu, phong phú nhằm giới thiệu, biểu dương những thành tựu phát triển đời sống văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tôn vinh văn hóa truyền thống, bảo tồn phát huy văn hóa các dân tộc theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước phù hợp với giai đoạn hiện nay: truyền thống, hiện đại, phong phú, hấp dẫn; đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong việc giao lưu tình cảm, giao lưu văn hóa, qua đó tăng cường đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc.

Mặt khác lễ hội còn có ý nghĩa về mặt ngoại giao, quảng bá văn hóa dân tộc và hình ảnh Việt Nam “thân thiện, đoàn kết và an bình” với bạn bè quốc tế.

Chúng ta cần khai thác lễ hội gắn kết với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nếp sống văn minh, vun đắp lòng yêu nước, đề cao tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam để thiết thực thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII BCHTƯ Đảng khóa IX về công tác dân tộc, Chỉ thị 39/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác VHTT miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

XUÂN THÁI

Tin cùng chuyên mục