Từ nghị quyết đến cuộc sống

Mở lối cho dân làm giàu

Ở quận 11, nếu thực hiện tốt chủ trương di dời cơ sở sản xuất ra ngoại thành, cũng đồng nghĩa với việc kinh tế có thể rơi vào khó khăn mới. Chủ trương cấp trên không thể không tuân thủ, nhưng cũng không thể để dân nghèo khó - ông Dương Công Khanh, Bí thư Quận ủy quận 11 băn khoăn…
Mở lối cho dân làm giàu

Ở quận 11, nếu thực hiện tốt chủ trương di dời cơ sở sản xuất ra ngoại thành, cũng đồng nghĩa với việc kinh tế có thể rơi vào khó khăn mới. Chủ trương cấp trên không thể không tuân thủ, nhưng cũng không thể để dân nghèo khó - ông Dương Công Khanh, Bí thư Quận ủy quận 11 băn khoăn… 

  • Đưa cuộc sống vào nghị quyết 
Mở lối cho dân làm giàu ảnh 1

Anh Nguyễn Khoa Tuấn Phương, chủ doanh nghiệp ở phường 7 phát biểu với lãnh đạo quận 11.

Cả quận có gần 3.000 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, những cơ sở lớn phải di dời ra ngoại thành theo quy định di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm của thành phố, còn cơ sở nhỏ thì ngày càng thu hẹp do không cạnh tranh nổi trong thời kỳ hội nhập, đổi mới công nghệ.

Hậu quả là nhiều người lao động bị thất nghiệp… Vì thế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ IX đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế 5 năm 2006 - 2010 là: “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển thương mại dịch vụ”. Chủ trương đã rõ, nhưng chuyển dịch như thế nào, bắt đầu từ đâu? Cuộc họp bất thường được triệu tập, Quận ủy đem vấn đề ra bàn, cuối cùng mọi người thống nhất phương án thành lập Ban chỉ đạo, thành phần gồm lãnh đạo quận ủy, UBND, trưởng các ngành công an, thuế, mặt trận… đi thực tế, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp và người dân. Nội dung này cũng được triển khai đến tất cả các phường. Mục đích là nghe dân nói, tháo gỡ vướng mắc và… tìm lối để người dân làm giàu!

Gặp và trao đổi với doanh nghiệp những gì, giúp dân làm ăn ra sao, định hướng phát triển ở lĩnh vực nào, hỗ trợ như thế nào… đó là đề tài mà từng cán bộ đảng viên từ quận, phường đến khu phố, trong đó có cả đảng viên hưu trí quan tâm, bàn bạc.

Anh Đào Thanh Long, Bí thư Đảng ủy phường 15 quận 11 nghĩ rằng, muốn nghị quyết đi vào cuộc sống thì nhiệm vụ của lãnh đạo là phải đưa cuộc sống vào nghị quyết. Vì thế, các đảng viên phải lăn lộn thực tế, tìm tòi, nắm bắt tình hình.

Khi đang trên đường đến cơ quan, anh nhìn thấy đoàn vận động viên các tỉnh đến thi đấu ở Nhà thi đấu Phú Thọ đi sang quận 10 để ăn, anh liền nghĩ, tại sao chúng ta không mở dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà nghỉ để phục vụ các đoàn khách này.

Anh mang ý tưởng của mình chia sẻ với các đảng viên hưu trí và được các bác hưởng ứng ngay. Với lập luận trên, khu Thương mại - dịch vụ - nhà ở trường đua Phú Thọ đang hình thành trên địa bàn phường, cộng với các hoạt động thi đấu, triển lãm quanh năm tại Nhà thi đấu Phú Thọ, thì nhu cầu ăn – ở - vui chơi giải trí tại khu vực phường 15 rất lớn. Phường xác định ngay các loại dịch vụ khuyến khích kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, giải trí… nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp sang thương mại dịch vụ.

Ở các phường khác cũng thế. Nhìn các trung tâm thương mại mà quận đang xây dựng như: Lê Đại Hành, Lãnh Binh Thăng… và nhu cầu thực tế tại khu dân cư, từng phường đã quy hoạch cho mình danh mục ngành nghề nào hạn chế, ngành nghề nào cần khuyến khích… 

  • “3 bên” chụm lại thành… doanh nghiệp 

Khi từng phường xây dựng và xác định được “sơ đồ quy hoạch” xong, liền phối hợp quận tổ chức “tiếp thị” và mở “hội nghị Diên Hồng” lắng nghe ý kiến phản ánh, đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp.

Những chuyện như một số khu vực hạn chế kinh doanh các loại hình dịch vụ “nhạy cảm” mà quận không công khai rõ ràng nên doanh nghiệp bị làm khó khiến nhiều người phải mua giấy phép, đến chuyện hồ sơ thủ tục phức tạp, tình hình mất an ninh trật tự, chuyện người kinh doanh liên tục bị công an, quận - phường, quản lý thị trường, đội kiểm tra 814 xuống kiểm tra xử lý… đều được dân và doanh nghiệp phản ánh đến lãnh đạo quận.

Chủ tịch UBND quận lập tức chỉ đạo các đơn vị phải công khai quy trình thủ tục cho dân biết, tránh tình trạng bưng bít thông tin để bắt chẹt dân; công khai những ngành hạn chế kinh doanh theo quy định của UBND TP, còn ngành nào không cấm, phải tạo điều kiện thuận lợi cho dân; các đơn vị 814, công an, quản lý thị trường… phải phối hợp liên ngành cùng kiểm tra một lúc để doanh nghiệp đỡ bị làm phiền vì phải tiếp hết ngành này đến đoàn khác làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh…

Bàn xong chuyện chính sách, bà con đã yên tâm chuyển sang bàn chuyện làm ăn. Người nào cũng muốn kinh doanh nhưng người có ý tưởng thì thiếu vốn, người có tiền thì không tìm ra mặt bằng ưng ý… Gom những vấn đề ấy lại, lãnh đạo quận gợi ý cuộc bắt tay giữa 3 bên (bên có ý tưởng, bên có vốn và bên có mặt bằng) để cùng nhau thành lập doanh nghiệp. Ý tưởng được trình bày, nhiều nơi tìm đến nhau. Mở đầu là khách sạn Thanh Bình ở Tân Bình, đến mở chi nhánh tại khu trường đua Phú Thọ, sau đó đến nhiều doanh nghiệp khác.

Chưa hài lòng với những kết quả bước đầu ấy, Bí thư Quận ủy quận 11 Dương Công Khanh tiếp tục chỉ đạo: Chính quyền phải cởi mở hơn nữa và đồng hành cùng doanh nghiệp. Làm sao để từ nay, bất cứ cá nhân, doanh nghiệp nào muốn đầu tư kinh doanh tại quận 11 đều có quyền đến gặp trực tiếp Chủ tịch UBND quận hoặc Chủ tịch UBND phường để trao đổi trực tiếp, nắm bắt các chủ trương chính sách, hướng dẫn thủ tục… một cách nhanh nhất. Ông khẳng định: “Chỉ có chủ trương đúng, chính sách mở, quy định công khai, lãnh đạo thân thiện thì mới tạo được môi trường cho dân làm giàu”. 

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục