Đại tá, nhà văn - nhà báo Trần Thế Tuyển

Món nợ lớn của người cầm viết

Món nợ lớn của người cầm viết

Là hội viên Hội Nhà văn TPHCM, anh từng đoạt nhiều giải truyện ký của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân VN, của Đài Tiếng nói Việt Nam, giải thơ Hội Văn nghệ TPHCM, giải báo chí Hội Nhà báo TPHCM.

Hiện nay là Phó Cục trưởng Cục Báo chí (phụ trách phía Nam) thuộc Bộ VHTT. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập QĐNDVN và 15 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, chúng tôi đã gặp và trao đổi với nhà văn- nhà báo Trần Thế Tuyển.

- PV:
Là một nhà báo, nhà văn quân đội, nỗi trăn trở nào lớn nhất trong anh về những sáng tác thời kỳ đổi mới?

- Đại tá TRẦN THẾ TUYỂN: Văn học nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng là tiếng nói của thời đại. Dù chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nay, nhưng dấu ấn khốc liệt của nó vẫn còn in đậm trong tâm trí mọi người. Tuy đề tài thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước là rất cần thiết, nhưng theo tôi, đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng vẫn là món nợ lớn, là nỗi trăn trở khôn nguôi của người cầm viết, đặc biệt với những người cầm viết đã và đang mặc áo lính.

- Vậy thì, món nợ, theo anh, với cái nhìn của một nhà văn, anh dự báo như thế nào?

Món nợ lớn của người cầm viết ảnh 1

Nhà văn-nhà báo Trần Thế Tuyển.

- Đó là câu hỏi lớn, dành cho tất cả những người cầm viết, đặc biệt những người đã có bề dày sáng tạo, đã có những tác phẩm được mọi người chấp nhận. Riêng tôi, với văn học nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng sẽ tiếp tục thực hiện sứ mạng cao cả của nó, đó là giáo dục và nâng cao thẩm mỹ con người theo hướng chân – thiện – mỹ.

Cùng với việc phản ánh cuộc sống đương đại với bao nỗi trăn trở, những thử thách khắc nghiệt trong thời kinh tế thị trường, văn học nghệ thuật sẽ tiếp tục khẳng định, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Đồng thời lên án cái xấu, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực để bảo vệ cái đẹp, cái cao cả.

- Để trả món nợ ấy, theo anh điều kiện cần và đủ để sáng tác được các tác phẩm văn học lớn là gì?

- Trên thế giới, các cuộc chiến tranh lớn đều là nguồn cảm hứng để cho ra đời những tác phẩm lớn. Ở nước ta, vừa bước ra cuộc chiến tranh kéo dài gần 30 năm, đánh thắng hai đế quốc to, chúng ta lại lao vào cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Tư liệu về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng vẫn còn ăm ắp trong ký ức mọi người. Nhưng để ra đời các tác phẩm văn học lớn lại là một vấn đề khác. Đảng và Nhà nước ta đã khuyến khích, động viên lao động sáng tạo của nhà văn, nhưng chính sách, chế độ dành cho các tác phẩm lớn vẫn còn là điều cần phải bàn…

- Anh vừa cho ra đời tập bút ký “Quê hương và đồng đội” dày gần 500 trang với 63 câu chuyện cảm động về người thật việc thật. Báo Quân đội Nhân dân, Đài Truyền hình TPHCM và Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM đã tổ chức đêm giao lưu với các nhân vật trong tác phẩm của anh, đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập QĐND VN và 15 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân. Anh có suy nghĩ gì về cuộc sống đời thường và cuộc sống trong tác phẩm của các nhân vật trong tập bút ký “Quê hương và đồng đội”?

- Người lính bộ đội Cụ Hồ là một đề tài phong phú, đa dạng, rộng lớn mà tất cả các loại hình văn học nghệ thuật đều tập trung khám phá. Riêng tôi, với lợi thế của một người “trong cuộc” đã có mặt qua mấy cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, tôi chọn cho mình một lối đi, khắc họa người lính bộ đội Cụ Hồ theo hướng người thật và việc thật.

Để làm được việc đó, thật khó. Bởi vì sự thật bao giờ cũng trần trụi nhưng khi vào tác phẩm, dù tác phẩm báo chí hay tác phẩm văn chương nó cũng phải làm tròn được chức năng giáo dục và thẩm mỹ.

Những nhân vật trong tập ký “Quê hương và đồng đội” của tôi, từ đời thường đến tác phẩm không có gì khác nhau. Nếu có khác, đó là sự sắp đặt, bố cục mang tính kỹ thuật, nghề nghiệp của người viết.

Điều đó thật dễ hiểu, bởi vì môi trường sống, những suy nghĩ và việc làm của người lính bộ đội Cụ Hồ và những người thân yêu của họ đã “đẹp” như trong tiểu thuyết rồi, không cần phải bồi đắp gì thêm.
 

XUÂN THÁI

Tin cùng chuyên mục